TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, các bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được theo dõi gồm 2 anh em ruột (26 tuổi, 18 tuổi) và một người đàn ông 45 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Lúc đầu, chỉ có người bệnh 16 tuổi và 45 tuổi phải thở máy nhưng đến thời điểm này, cả 3 bệnh nhân đều phải dùng đến máy thở, sức cơ chỉ còn 0/5-1/5, gần như liệt hoàn toàn.
Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị liệt là do độc chất botulinum. Thuốc giải sẽ được sử dụng hiệu quả nhất khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc.
Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.
Trước đó, 3 em nhỏ trong cùng một gia đình cũng bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán rong trên đường. Ba em nhỏ này may mắn được sử dụng 2 lọ thuốc giải độc tố botulinum cuối cùng, hiện vẫn còn 2 em phải thở máy, một em tự thở, sức cơ đang dần được cải thiện.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy tạm hết thuốc giải độc tố botulinum. Theo Cục Quản lý dược, các thuốc giải độc rất quan trọng nhưng lại là thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Mỗi năm, cả nước chỉ có vài ca bệnh cần thuốc giải độc nên các bệnh viện không dự trữ đủ.
"Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm", Cục Quản lý dược cho hay. Đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung và giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.
Ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 21/5, Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ với WHO để tìm nguồn thuốc hỗ trợ. Ngoài ra Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng để có thêm nguồn cung thuốc.