Người hàng xóm của tôi bị tòa tuyên án tử hình nhưng không thi hành án do tuổi quá cao. Tôi xin hỏi ai là đối tượng không áp dụng, không thi hành án tử hình theo quy định hiện hành?
Bạn đọc Hồng Nương (Trảng Bàng, Tây Ninh), hỏi.
Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời:
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được quy định trong Bộ luật Hình sự...
Người bị kết án sẽ bị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội, đây được xem là biện pháp nghiêm khắc nhất được quy định trong pháp luật để trừng phạt người phạm tội. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không áp dụng, thi hành án tử hình.
Khoản 2, Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định về các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với:
- Người dưới 18 tuổi khi phạm tội;
- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định các trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người đủ 75 tuổi trở lên;
- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Đối với các trường hợp thuộc khoản 3, Điều 40 đã nêu trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, ngoài trường hợp người đủ 75 tuổi trở lên sẽ có thêm các trường hợp nêu trên không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án.