Dân Việt

Người dân tham gia giám sát công việc của thôn xã bằng cách nào?

Thành Trung 23/05/2023 18:00 GMT+7
Theo ông Trần Thế Anh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, việc công dân thực hiện tham gia giám sát những công việc của thôn, xã qua các quy định pháp luật, thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xã tôi đang tiến hành nạo vét, cải tiến hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu vào đồng ruộng. Kinh phí xây dựng chủ yếu do nhân dân trong toàn xã đóng góp. Vừa rồi, chính quyền xã đề nghị bà con nhân dân tích cực cùng nhau giám sát để dự án, công trình hoàn thành đạt chất lượng tốt. Tôi muốn hỏi nhân dân tham gia giám sát những công việc của thôn, xã qua những hình thức nào? Cách thức thực hiện như thế nào?

Bạn đọc Lê Hoài (Ninh Bình) hỏi

Trả lời:

Theo ông Trần Thế Anh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trong giai đoạn chuyển giao của quy định pháp luật, việc công dân thực hiện tham gia giám sát những công việc của thôn, xã được thực hiện qua các quy định pháp luật sau:

Theo Điều 24 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 (sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/07/2023) quy định hình thức thực hiện việc giám sát của nhân dân, theo đó, nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ngoài ra, nhân dân trực tiếp thực hiện việc giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc kiến nghị thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo.

Người dân tham gia giám sát công việc của thôn xã bằng cách nào? - Ảnh 1.

Người dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tu bổ, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh minh họa: Báo Bắc Giang

Kể từ ngày 01/07/2023, việc công dân thực hiện tham gia giám sát những công việc của thôn, xã được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo đó:

Công dân trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua:

Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người dân ở cộng đồng dân cư; Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hoặc thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định; Tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư.

Công dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật.