PGS.TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, việc TP.HCM đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội để chủ động ứng phó kịp thời với các biến động là cần thiết.
"Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang tìm kiếm các không gian phát triển an toàn và TP.HCM là một trong những nơi mà các doanh nghiệp để mắt tới. Để đón đầu dòng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp, TP.HCM cấp thiết phải có cơ chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút doanh nghiệp đến", PGS.TS Trần Thọ Quang nhấn mạnh.
Chuyên gia Trần Thọ Quang cho rằng, việc TP.HCM thành lập TP.Thủ Đức với hàm ý thúc đẩy nơi đây thành trung tâm tài chính lớn. Do đó, cần tạo cho TP.Thủ Đức một mô hình phát triển hợp lý, xứng tầm để thực hiện được mục tiêu này.
Về đầu tư hạ tầng, thời gian qua TP.HCM đã nỗ lực thúc đẩy nhiều dự án nhưng trên tổng thể, diện mạo hạ tầng của thành phố còn ngổn ngang. Các trục giao thông chính còn chưa thành hình, các cầu cảng, bến bãi quan trọng vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
Theo TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, TP.HCM nên áp dụng một số mô hình mà các nước đã thực hiện thành công trước đó, đó là mô hình sandbox. Theo đó, với mô hình này, TP.HCM nên tạo ra một khung chính sách pháp lý riêng nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại để đổi mới sáng tạo, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư.
Bên cạnh đó, TP.HCM phải tăng cường tính dự báo khi đề xuất các chính sách khi tình hình trong nước và thế giới luôn biến động. Do đó, nghị quyết phải tạo "tính mở", tăng sự chủ động trong thí điểm các chính sách để TP.HCM kịp thời đưa ra các phương án tháo gỡ những khó khăn mà thực tiễn đề ra.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, việc nhìn nhận các hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 54 để rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết mới rất quan trọng.
Nhìn nhận Nghị quyết 54 có vai trò rất lớn giúp TP.HCM vượt qua đại dịch Covid-19 nhưng nhiều chính sách thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa TP.HCM và các sở ngành vì cơ chế, chính sách còn vướng mắc, chồng lấn. Phải xác định đây là điểm nghẽn để gỡ.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM khẳng định sự cần thiết, mang tính cấp bách của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM trong bối cảnh phát triển mới, để thành phố phát huy một cách hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế. Cùng với đó, để thành phố đón đầu, khai thác tốt các cơ hội để phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm lan tỏa, tạo xung lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách mới được thông qua, TP.HCM phải tự thân hình thành cơ chế để phù hợp với sự phát triển. Tránh tình trạng khi lớn đến đâu, "áo" chật đến đó thì lại đi xin cái áo mới, lớn hơn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với TP.HCM và các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
TP.HCM đã rất khẩn trương chuẩn bị cho dự thảo này với nhiều lần cập nhật, sửa đổi để cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu cho TP.HCM. Nhưng khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, TP.HCM không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển thành phố.
"Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Làm sao để thành phố có thể khai phóng, huy động các nguồn lực phát triển. TP.HCM phải là cực tăng trưởng, là đầu tàu trung tâm của nhiều mặt, là địa phương có năng lực quốc tế và cạnh tranh quốc tế", ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quan điểm xây dựng Nghị quyết mới của TP là đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. "Vì thế, dự thảo Nghị quyết mới không gọi là "cơ chế đặc thù" mà là những cơ chế chính sách đột phá, vượt trội phát triển thành phố", ông Mãi giải thích và cho biết, dự thảo Nghị quyết mới có đề xuất của thành phố và những gợi ý, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và chuyên gia.
"Thành phố làm việc này không phải chỉ cho TP.HCM mà là cho cả nước. Thành phố không đặt sự so sánh với các địa phương khác, không phải cho thành phố quá nhiều cơ chế mà tạo điều kiện cho thành phố phát triển cũng là động lực phát triển của cả nước", ông Phan Văn Mãi nói.
"TP.HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn TP.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước"
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi
Theo ông Mãi, việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết 54 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.
Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất 44 nội dung cơ chế chính sách chia làm 4 nhóm: Nhóm những cơ chế đã có trong Nghị quyết 54 hiện hữu; nhóm cơ chế đã có trong các nghị quyết khác đã được ban hành; nhóm cơ chế đang có trong các Luật sửa đổi và nhóm các nội dung mới.
Ông Mãi khẳng định, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ tháo gỡ rất lớn cho thành phố về thể chế, đặc biệt huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền chủ động hơn.
Bên cạnh đó, sau khi thành phố thí điểm, tổng kết các cơ chế mới, Quốc hội, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để thể chế hóa thực hiện chung cho cả nước. Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM đã chuẩn bị tâm thế, lực lượng, điều kiện để thực hiện nghị quyết mới.
Bài cuối: Chìa khoá mới cho thành phố