Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông vừa ra văn bản đề nghị công an tỉnh khẩn trương điều tra thông tin vụ một nữ giáo viên ở huyện Đăk Glong bị phụ huynh đánh vì con "xếp loại hạnh kiểm trung bình".
Theo tố cáo của cô V.T.K.Q, 34 tuổi, giáo viên trường THPT Lê Duẩn, huyện Đăk Glong, tối 25/5, khi đang ở cùng hai con tại nhà riêng ở xã Quảng Sơn, cô bất ngờ bị phụ huynh xông vào nhà chửi bới, đánh vào mặt khiến chảy máu mũi. Khi hàng xóm đến can ngăn, người này mới chịu rời đi.
Cô Q. cho biết khoảng một tháng trước, con trai của vị phụ huynh này xúc phạm, lăng mạ cô nên bị ghi vào sổ đầu bài. Hội đồng kỷ luật nhà trường sau đó đã họp hai lần và thống nhất xếp nam sinh này hạnh kiểm trung bình cả năm học.
"Vì con mình bị xếp loại hạnh kiểm trung bình, không đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường công an nên phụ huynh đã xông vào nhà để tấn công tôi" - cô Q. nhận định và cho ha, người đánh mình là giáo viên THCS cùng địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Nông cho biết, đã đề nghị các cơ quan liên quan báo cáo, đồng thời xem xét các biện pháp bảo vệ an toàn cho nữ giáo viên này.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của phụ huynh này là phản giáo dục, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, có tính chất côn đồ nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Cường phân tích, đây là vụ việc khá bất ngờ đối với nhiều người bởi đối tượng hành hung cô giáo chỉ vì lý do cô đã đề nghị nhà trường xem xét xử lý kỷ luật đối với con trai của mình do có hành vi lăng mạ xúc phạm cô giáo tại trường. Điều bất ngờ hơn nữa khi dư luận xã hội biết được phụ huynh này cũng là một giáo viên trên địa bàn.
Đáng lẽ ra khi là giáo viên, người đàn ông này phải sống chuẩn mực, là tấm gương để giáo dục học sinh và con cái noi theo, đồng thời sẽ hiểu rõ quy định về kỷ luật học sinh, quy định về thái độ ứng xử của học sinh đối với giáo viên.
Vị chuyên gia cho rằng, hành vi của phụ huynh trên là vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, có tính chất côn đồ, gây bức xúc trong dư luận.
Bởi vậy, ngoài việc cơ quan điều tra vào cuộc xem xét làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý bằng chế tài của pháp luật thì nhà trường nơi vị phụ huynh công tác cũng cần phải xem xét xử lý kỷ luật, có thể ở mức cao nhất là cảnh cáo, buộc thôi việc.
Cơ quan điều tra cũng tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân, chỉ cần có tỷ lệ phần trăm thương tích là có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự, bởi hành vi có tính chất côn đồ. Trường hợp hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, phụ huynh trên sẽ bị xử lý hành chính.
"Dù bị xử lý hình sự hay hành chính, người này vẫn phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ sở" – ông Cường thông tin.