Ngày 30/5, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, từ ngày 15/4 đến 15/5, cơ quan chức năng toàn tỉnh đã tổ chức 160 đoàn kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm.
Qua kiểm tra 2.731 cơ sở đã phát hiện 659 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (chiếm 24,13%), xử phạt 28 cơ sở với số tiền 92,1 triệu đồng.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã tịch thu, buộc tiêu huỷ hàng hoá trị giá 80 triệu đồng (gồm 4.900kg đường cát nhập lậu, nước giải khát không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, động vật chưa có dấu kiểm dịch, bột sắn dây,…). Buộc khắc phục nhiều sai phạm khác như khám sức khoẻ, xác nhận tập huấn kiến thức cho người lao động, tăng cường công tác vệ sinh cơ sở…
Theo ông Hùng, qua đợt triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" lần này đã nhận diện được nhiều ưu điểm và hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cũng liên quan lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Hùng cho biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, loại hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới,… phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao. Tuy nhiên do đặc thù của loại hình này không có địa điểm cố định, nhiều cơ sở hoạt động mang tính tự phát, nhiều cơ sở do địa phương khác đến nên việc quản lý các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và chủ động phòng ngừa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đối với loại hình kinh doanh này, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lưu động trên địa bàn để đưa vào danh sách quản lý. Hướng dẫn, kiểm tra giám sát các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm như: Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp chế biến thức ăn do chủ cơ sở xác nhận; Giấy khám sức khỏe của người trực tiếp chế biến thức ăn và chủ cơ sở theo đúng quy định; Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm; Giấy tờ mua bán các loại thực phẩm; Kiểm tra môi trường xung quanh khu vực chế biến thực phẩm; Thực hiện đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng bảo quản, vận chuyển thực phẩm và thực hành trong quá trình chế biến thực phẩm.
Sở Y tế Quảng Trị còn đề nghị cơ quan các địa phương và chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với loại hình dịch vụ ăn uống, nhất là dịch vụ nấu ăn lưu động. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho người dân và cộng đồng.