Ngày 30/5, theo nguồn tin của Dân Việt, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được Thủ tướng giao gỡ những vướng mắc liên quan đến phòng cháy chữa cháy cho các doanh nghiệp kinh doanh karaoke.
Trước đó, tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke các tỉnh, thành phố đã có đơn gửi Thủ tướng, kiến nghị một số vấn đề liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đơn kiến nghị này cũng đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến 3 bộ nêu trên để xem xét giải quyết.
Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke phản ánh, sau đợt kiểm tra về công tác PCCC vừa qua, hầu hết cơ sở bị dừng hoạt động và bị đình chỉ do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngoài ra, với những tác động nặng nề từ đại dịch, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke cho biết thời gian dài phải đóng cửa khiến họ không thể thu hồi vốn đã đầu tư; tiền thuê nhà vẫn phải chi trả, phần lớn người lao động trong lĩnh vực này mất việc làm, cơ sở vật chất đã đầu tư bị hỏng hóc, xuống cấp cần phải tiếp tục đầu tư...
Trao đổi với PV Dân Việt trước đó, ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke idol số 16 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Các trang thiết bị máy móc không được vận hành sẽ hỏng hóc, hao mòn đi, cùng với đó là tiền thuê nhà, tiền lãi suất vay kinh doanh từ nhiều nguồn tài chính, cứ đà này không bao lâu nữa chúng tôi sẽ rất khó khăn".
Theo ông Sỹ, hoạt động karaoke cũng là hoạt động kinh doanh như các ngành nghề khác, luôn muốn được tuân thủ pháp luật, hoạt động theo những quy định pháp luật cho phép. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.000 quán karaoke bị đóng cửa nên cần phải tìm cách tháo gỡ cho hoạt động kinh doanh này tránh lãng phí, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và dẫn đến các hệ lụy không tốt cho xã hội. Những vướng mắc về đảm bảo an toàn PCCC cũng được nêu rõ trong đơn kiến nghị gửi người đứng đầu Chính phủ.
Thứ nhất, theo lập luận của doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh karaoke được hình thành từ trước khi Nghị định 136 của Chính phủ và Thông tư 147 của Bộ Công an có hiệu lực, đã được các cấp có thẩm quyền cấp đầy đủ giấy phép đảm bảo đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh, gồm cả điều kiện về PCCC.
Thứ hai, sau khi nhận biên bản kiểm tra, các cơ sở karaoke không biết phải sửa chữa ra sao? Dù đã gửi đơn kiến nghị lên địa phương nhưng 6 tháng qua chưa được phản hồi.
Theo các doanh nghiệp, nội dung hướng dẫn của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) các tỉnh, thành phố và Công an các quận, huyện chưa mang tính chất tháo gỡ khó khăn, không mang tính chất khắc phục các vướng mắc, mà mang tính chất "đập đi làm lại" cho đúng quy định mới, gây bức xúc và khó khăn thêm cho các cơ sở kinh doanh.
"Các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi những kết cấu của tòa nhà thì không thể thay đổi, chỉnh sửa. Việc sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với sự thay đổi của các văn bản là rất khó khăn, thậm chí không thể điều chỉnh", các doanh nghiệp nêu ý kiến.
Phản ứng với việc "chưa có hướng dẫn đã đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép kinh doanh", doanh nghiệp karaoke kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có văn bản trả lời đơn kiến nghị theo đúng quy định.
Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan hướng dẫn bằng văn bản và yêu cầu áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đối với cơ sở kinh doanh đúng với thời điểm được đưa vào hoạt động.
"Hướng dẫn cụ thể phải mang tính tháo gỡ cho ngành karaoke để sửa chữa cho phù hợp. Mỗi một ngày chậm vào cuộc từ các cơ quan quản lý Nhà nước đều gây thiệt hại kinh tế nặng nề tới nhà đầu tư", các doanh nghiệp karaoke kiến nghị.
Theo đề xuất của các đơn vị này, với những cơ sở đã chỉnh sửa theo yêu cầu khắc phục của các đoàn kiểm tra, các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra lại để nghiệm thu và cho phép cơ sở đó đi vào hoạt động, tránh gây lúng túng và lãng phí.
Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp karaoke kiến nghị tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan chức năng với tập thể cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn quốc để tìm kiếm giải pháp khắc phục.