Tại chương trình tư vấn tuyển sinh vừa được tổ chức ở Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều thí sinh, phụ huynh có mặt để được giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường, cách đặt nguyện vọng... sao cho hợp lý và tránh sơ sót, đánh mất cơ hội vào đại học.
Thí sinh Trà My đến từ tỉnh Đắk Lắk cho biết, em có nhiều băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học, trường học cũng như cách đặt nguyện vọng. Nhân dịp vào TP.HCM thăm người thân, đúng lúc có chương trình tư vấn tuyển sinh nên em tới tham dự, hy vọng nhận được tư vấn để quyết định lựa chọn ngành học phù hợp.
Trà My chia sẻ, em đang cân nhắc về ngành Marketing hệ đại trà và chương trình số; không biết mức điểm trúng tuyển dự kiến ngành này như thế nào... My cũng cho biết, em đã trúng tuyển sớm vào đại học ngành này, tuy nhiên, với mức điểm thi tốt nghiệp THPT là 21 điểm (khối C), My băn khoăn nên đặt nguyện vọng như thế nào để tối ưu, "chắc suất" vào đại học.
ThS Nguyễn Thái Châu, Trường ĐH Tài Chính - Marketing cho biết, nhiều trường cao đẳng, đại học đang đào tạo về ngành Marketing, tùy thế mạnh từng trường mà đào thêm các chuyên ngành. Với sự kết hợp giữa mạng xã hội và công nghệ thông tin, Marketing truyền thống đã nhích sang Marketing truyền thông số, để mang lại những hiệu quả nhanh hơn và chi phí quảng cáo thấp nhất cho khách hàng.
Ngành Marketing của trường đã xét tuyển sớm với điểm trung bình mỗi môn 7 điểm. Hiện trường tiếp tục tuyển ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với mức điểm 19. Về đặt nguyện vọng, nếu thí sinh thực sự yêu thích ngành học này thì ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1.
"Sau khi nghe tư vấn từ câu hỏi của mình, cộng thêm nhiều câu hỏi giải đáp thắc mắc của học sinh, phụ huynh khác, em đã gỡ được hết những băn khoăn của mình", Trà My chia sẻ.
Tương tự, thí sinh Phạm Hải Yến (TP.HCM) tìm hiểu các trường, ngành nghề để đặt nguyện vọng một cách chính xác nhất. Yến cho biết, hiện tại dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa Bộ GDĐT sẽ đóng cổng đăng ký nguyện vọng, nhưng em vẫn chưa chốt được nguyện vọng cho riêng mình.
"Em vừa tốt nghiệp THPT, sau khi nhận kết quả, em có một số khúc mắc như: Những trường em đã đậu xét tuyển sớm, chỉ cần đặt nguyện vọng trên web của Bộ GDĐT là chắc suất vào trường hay còn thêm các thủ tục khác? Rất may, em nhận được đặt nguyện vọng trên web Bộ và thanh toán, như vậy là ổn", Yến nói.
Thí sinh Hoàng Gia Phát (ngụ Đồng Nai) cho biết, trước khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, Phát đã đặt nguyện vọng vào ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Sau khi biết điểm thi, Phát giữ nguyên nguyện vọng.
"Ban đầu, em vẫn băn khoăn nhiều về ngành học mình đã lựa chọn cũng như chưa biết sắp xếp đăng ký nguyện vọng thế nào cho hợp lý. Khi đến chương trình tư vấn tuyển sinh để được tư vấn trực tiếp, gặp gỡ các giảng viên, anh chị sinh viên từ chính ngành học mình lựa chọn, em cảm thấy yên tâm về lựa chọn của mình. Đồng thời, em cũng tìm hiểu thêm các ngành học, trường học mà em dự định đặt nguyện vọng 2, 3... để nếu lỡ trượt nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng tiếp theo vẫn nằm trong sở thích của mình", Phát nói.
Đi cùng với thí sinh Gia Phát, thí sinh Nguyễn Đức Quý (ngụ Đồng Nai) cũng đến để tìm hiểu ngành học mà mình lựa chọn. Theo chia sẻ của Quý, em đặt nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và tham khảo thêm ngành này ở các trường khác.
"Trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, em đặt nguyện vọng mà em mong muốn, sau khi biết điểm em hơi hụt hẫng một chút nên phải tìm hiểu để đặt nguyện vọng hợp lý, nâng cao cơ hội vào trường học, ngành học em mong muốn. Trong buổi tư vấn tuyển sinh, em tìm hiểu kỹ hơn về ngành mình lựa chọn và cũng tìm hiểu thêm được nhiều ngành học khác", Quý chia sẻ.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, rất nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về việc đặt các nguyện vọng sao cho hợp lý - nhất là những nguyện vọng đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.
Trả lời vấn đề này, TS.Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT khẳng định, không trường đại học nào có quyền "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng 1.
Theo đó, thí sinh cần lưu ý, ngành học nào mà các em yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Các ngành học đã trúng tuyển sớm nhưng các em vẫn dự tính xét tuyển thêm một số ngành khác ở các phương thức khác, các em có thể đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ở các vị trí sau. Nếu trượt nguyện vọng 1 (nguyện vọng yêu thích nhất của thí sinh), các em sẽ lần lượt được xét đến những nguyện vọng vọng 2, 3, 4…
Ông Nghệ cũng lưu ý, thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng.
Ngoài ra, trong năm nay, việc đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục thực hiện theo hình thức trực tuyến. Ông Nghệ nhắc nhở, thí sinh và phụ huynh cần nắm rõ quy trình đăng ký nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo quy định, thí sinh cần phải đăng ký nguyện vọng tại website của trường đại học và trên hệ thống của Bộ GDĐT.
"Dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT và nộp lệ phí đầy đủ", TS.Phạm Như Nghệ lưu ý.
Thêm vào đó, ông Nghệ cũng cho rằng, quá trình lựa chọn nguyện vọng cần cân nhắc nhiều yếu tố như sở thích, điểm thi, điểm chuẩn và điều kiện kinh tế của gia đình. Thí sinh, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng rồi đưa ra quyết định cuối cùng trước 17h ngày 30/7.