Dân Việt

Xét tuyển ngành Y “tổ hợp lạ” gây tranh cãi: Môn Văn có thể được thay thế?

Anh Tuấn 01/06/2023 19:25 GMT+7
Dư luận những ngày qua tranh cãi về việc một số trường đại học xét tuyển ngành Y khoa với “tổ hợp lạ” có môn Văn. Vậy khi xét tuyển ngành Y, môn Văn có thể thay thế môn khác trong tổ hợp xét tuyển truyền thống hay không?

"Y học không chỉ là khoa học tự nhiên"

Năm ngoái, cũng liên quan đến xét tuyển ngành Y, dư luận đã tranh luận về việc một số trường đại học Y nổi tiếng xét tuyển ngành này mà không có môn Sinh. Năm nay, câu chuyện xét tuyển ngành Y có môn Văn lại gây xôn xao.

Theo truyền thống, các trường xét tuyển vào ngành Y khoa với tổ hợp B00 gồm 3 môn là Toán, Hóa, Sinh. Năm nay, để xét tuyển ngành Y khoa, Trường Đại học Văn Lang sử dụng môn Văn cho tổ hợp D12 (Văn, Hoá, tiếng Anh). Tương tự, Trường Đại học Duy Tân xét tuyển tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn) có môn Văn, Trường Đại học Võ Trường Toản và Trường Đại học Tân Tạo cùng sử dụng điểm môn Văn cho tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh)...

Lý giải về việc thêm môn Văn trong "tổ hợp xét tuyển lạ", TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, môn Văn được bổ sung vào tổ hợp môn xét tuyển là xuất phát từ thực tiễn của ngành Y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ và khả năng chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân, và trường chỉ thêm môn Văn vào để xét tuyển chứ không bỏ môn.

Xét tuyển ngành Y “tổ hợp lạ” gây tranh cãi: Môn Văn có thể được thay thế? - Ảnh 1.

Sinh viên Y khoa Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: VLU

Còn TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang, Văn chỉ là 1 trong 3 môn của tổ hợp xét tuyển. Để vào được ngành Y, thí sinh phải là học sinh giỏi lớp 12, điểm trung bình các môn xét tuyển từ 8.

Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, bác sĩ phải là người vừa giỏi khoa học tự nhiên, vừa giỏi khoa học xã hội. Do đó, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển cùng với môn Hóa, tiếng Anh, là nhằm phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh, đào tạo thế hệ bác sĩ giỏi về chuyên môn và về tư vấn truyền thông sức khỏe, tâm lý học, tâm thần học, chăm sóc sức khỏe người dân theo mô hình bác sĩ gia đình, chăm sóc cuối đời...

"Chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng, ngành Y học không chỉ là ngành khoa học tự nhiên, mà là ngành nhân học, bao gồm vừa khoa học tự nhiên, vừa khoa học xã hội, và vừa các ngành khác kết hợp vào. Mô hình bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc cộng đồng, vừa đa khoa vừa chuyên khoa. Để tương tác, phối hợp với bệnh nhân, thân nhân thì phải đào tạo từ những người có năng khiếu, có sự tinh tế, ăn nói khéo léo, biết thông cảm, chia sẻ…", TS Vĩ nói.

Môn Văn có thể thay thế môn khác trong tổ hợp xét tuyển ngành Y không?

Chia sẻ với Dân Việt, bác sĩ Hoàng Huy Toàn, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y Kirov (Saint Petersburg, Nga) cho biết, việc các trường thêm môn Văn vào xét tuyển ngành Y là điều bình thường.

Anh Toàn nêu quan điểm: "Các trường trên không thay thế hoàn toàn tổ hợp truyền thống để xét tuyển ngành Y. Bên cạnh môn Văn, trong tổ hợp xét tuyển các môn còn lại là môn tự nhiên, để đảm bảo chất lượng về tư duy logic của thí sinh".

Anh Toàn cho rằng, trong trường Y, giáo trình luôn rất dày, rất dài, chứa đựng khối lượng kiến thức rất lớn, vì vậy bên cạnh khả năng tư duy logic, kỹ năng về đọc, hiểu, ghi chép, ghi nhớ là cực kì cần thiết.

Sinh viên y trong quá trình học sẽ cần phải viết các bài luận khóa, tập viết bệnh án, hay tham gia viết báo cáo khoa học, hay nếu học cao hơn sẽ cần viết luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, viết bài báo khoa học... Sinh viên có tư duy tốt, lại có thêm kỹ năng viết sẽ rất có lợi.

Anh Toàn nhấn mạnh, thêm một điều cực kỳ quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay, đó là kỹ năng giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân, được hình thành qua quá trình tiếp xúc, thăm khám, giải thích, điều trị, chia sẻ, động viên với bệnh nhân.

"Kỹ năng này ngoài kiến thức chuyên môn còn dựa trên nền tảng kiến thức xã hội của bác sĩ, trong nền tảng đó môn Văn có thể đóng góp một phần không nhỏ. Ở nhiều nước, môn Văn cũng nằm trong những tổ hợp môn để xét tuyển đầu vào trường Y. Tất nhiên, tất cả những lợi ích mà môn Văn, hay bất kỳ môn học tự nhiên nào mang lại không đảm bảo cho việc bạn sẽ trở thành một bác sĩ giỏi nếu không có sự chăm chỉ, học hỏi, rèn luyện không ngừng. Vì thế, theo tôi, tổ hợp môn không nhất thiết phải chỉ hoàn toàn những môn tự nhiên, vì đầu vào đơn giản chỉ để chọn ra những người có nền tảng cơ sở nhất định, đủ tiềm năng để học và hành nghề Y, còn sau đó để phát triển bản thân, trở thành bác sĩ giỏi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác", anh Toàn bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Chí Vĩ, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở Vĩnh Phúc cho biết, các trường trên dù đưa ra tổ hợp xét tuyển ngành Y, nhưng bên cạnh môn Văn ít nhất đều có một môn tự nhiên.

Theo bác sĩ này, những người học tốt môn Văn là những người có kỹ năng ngôn ngữ và có tư duy rất tốt. Điều này phục vụ cho công tác trong ngành Y, đồng thời, môn Văn cũng giúp bác sĩ bớt khô cứng và máy móc trong giao tiếp với bệnh nhân.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam ủng hộ việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y có môn Văn. PGS Đậu Xuân Cảnh cho rằng các trường đưa môn Văn vào xét tuyển là hợp lý, tuy nhiên 2 môn còn lại của tổ hợp phải thuộc khối Khoa học Tự nhiên: Hoá, Sinh hoặc Toán, Sinh.

Tuy nhiên, ở góc độ là một người học, nói với Dân Việt, bạn Lê Hoài Phương, sinh viên năm nhất ngành Y khoa, Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương cho rằng, ngành nghề nào cũng cần ngôn ngữ tốt nhưng đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển để tuyển sinh ngành Y khoa nói riêng và Y Dược nói chung thì không thực sự cần thiết để thay thế bất kỳ môn nào trong tổ hợp Toán, Lý, Hoá hoặc Toán, Hoá, Sinh, vì đây là những môn tổ hợp có kiến thức căn bản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc theo học kiến thức chuyên sâu về chăm sóc sức khoẻ.