Dân Việt

Vụ bệnh nhân đang truyền dịch vẫn "vô tư" ra ngoài ở bệnh viện tư nhân Đắk Lắk: Sở Y tế nói gì?

Ngọc Giàu 05/06/2023 11:07 GMT+7
Theo các chuyên gia, nguyên tắc khi bệnh nhân đang truyền dịch thì phải nằm trên giường không được đi đâu, trừ trường hợp đi vệ sinh phải cầm theo dịch truyền và có hướng dẫn của y bác sĩ…

Liên quan đến phản ánh của Dân Việt về việc "Bệnh nhân đang truyền dịch vẫn 'vô tư' ra ngoài ở bệnh viện tư nhân Đắk Lắk'', lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết, nếu bệnh nhân bị bệnh sau mổ hay do bệnh lý thì khi truyền dịch phải được theo dõi tại chỗ.

Bệnh nhân đang truyền dịch vẫn "vô tư" ra ngoài ở bệnh viện tư Đắk Lắk - Video: NG

Còn hiện nay có nhiều nơi truyền dịch hay còn gọi vô đạm (dân gian) thì vẫn đi vệ sinh cá nhân được nhưng không an toàn. Vì tất cả các loại thuốc khi được tiêm vào cơ thể (gọi chung là kháng sinh, dịch truyền, vaccin) cần được theo dõi để xử lý các biến chứng có thể xảy ra sau tiêm.

Một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cũng cho biết thêm, khi bệnh nhân đang truyền dịch, thì về nguyên tắc phải nằm trên giường để xong chai truyền (có thể 2-3 tiếng hoặc hơn do tính chất của chai truyền) không được đi đâu, nếu muốn đi vệ sinh phải cầm theo dịch truyền và có hướng dẫn của y bác sĩ…

Bệnh nhân đang truyền dịch vẫn "vô tư" ra ngoài: Sở Y tế nói gì? - Ảnh 2.

Bệnh nhân đang truyền dịch vẫn "vô tư" ra ngoài ở Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) - Ảnh: NG

Trước đó, Dân Việt phản ánh tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk), nhiều bệnh nhân "vô tư" đi lại trong khuôn viên bệnh viện khi trên cơ thể còn cả bộ dây, túi đựng dịch truyền.

Trong khi đó, theo Điều 10 Quyết định số 526 (Ban hành Chế độ trách nhiệm của y tá trong việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện) của Bộ Y tế nêu rõ: Đối với bệnh nhân được chỉ định truyền dịch, truyền máu, y tá phải theo dõi sát sao trong khi truyền dịch bên giường bệnh nhân; Ghi các thông số theo dõi và treo phiếu truyền trên chai dịch; Tốc độ truyền dùng theo chỉ định của thầy thuốc; Xử lý kịp thời khi bị tắc kim, chệch ven hoặckhi bệnh nhân bị shock, ngừng truyền và mời ngay thầy thuốc đến xử lý.

Bác sĩ Phạm Hoà Anh - phụ trách truyền thông Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh lý giải, khi bệnh nhân đang truyền dịch, nếu tạm ổn thì khuyến khích bệnh nhân đi lại trong khuôn viên bệnh viện.

Thực tế, từng có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong khi đang truyền dịch. Sau đó, Hội đồng y khoa vào cuộc, kết luận nhiều sai sót, trong đó có việc nhân viên y tế trực tiếp nhận cấp cứu và điều trị đã tự ý rời vị trí trực, dẫn đến bệnh diễn biến nặng không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, cuối tháng 5/2023, tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, một sản phụ nhập viện sinh con nhưng bất ngờ tử vong.

Theo thông cáo báo chí của bệnh viện này, nguyên nhân tử vong được chẩn đoán do thuyên tắc ối. Còn phía Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thì cho thành lập hội đồng chuyên môn để kiểm tra, đánh giá để làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ.