Ngày 6/6, tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ, ông Nguyễn Văn Vọng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, tính đến hết ngày 30/5/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54/98 xã đạt NTM nâng cao; 26/98 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Toàn tỉnh có 7/7 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó 4 huyện (Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; còn lại 3 huyện (Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) đã đạt 9/9 tiêu chí và 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025.
Toàn tỉnh có 6/6 thị xã, thành phố đã đạt 5/5 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 (tăng 2,6 tiêu chí so với đầu năm). Trong đó, 5 đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, còn TP.Hạ Long đã đạt chuẩn 5/5 tiêu chí theo quy định. Hiện TP.Hạ Long đã hoàn thiện báo cáo giải trình và hồ sơ đề nghị xét công nhận TP.Hạ Long hoàn thành/đạt chuẩn NTM theo ý kiến Hội đồng thẩm định Trung ương họp thẩm định ngày 10/4/2023.
Huyện Đầm Hà và Tiên Yên đã đạt 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt 8/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Quảng Ninh đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM năm 2022.
Cũng theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (Vân Đồn, Hải Hà); 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Quảng La, Sông Khoai); 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Hồng Thái Tây, Quảng Minh).
Mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh có 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 32/98 xã NTM kiểu mẫu; 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí chỉ tiêu, tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân nông thôn năm 2025 cao gấp 2 lần năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đã trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chương trình xây dựng NTM.
Trong đó, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách và vốn tín dụng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, vốn xã hội hóa, vốn từ các chương trình, đề án, dự án có cùng mục tiêu để thực hiện.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo dứt điểm, quyết liệt đối với các xã theo kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023. Chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục thực hiện các nội dung, giải pháp của giai đoạn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu gắn với thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; tiếp tục thực hiện xây dựng thôn đạt chuẩn NTM…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua "Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM"; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.
Thực hiện các nhóm tiêu chí NTM như rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn; triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu (ở những xã có đủ điều kiện), thôn đạt chuẩn NTM; Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí và xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, cơ chế của Nhà nước về xây dựng NTM, trong đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; Tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh, của Trưng ương để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn.
Đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng NTM, trong đó ưu tiên hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa thể thao, các di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị; xây dựng hoàn thiện Đề án cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn, bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp. Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn,...
Cuối cùng, Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Chương trình xây dựng NTM để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.