Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân chuyển tuyến đến từ Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng trong tình trạng suy hô hấp sau khi bật điều hòa ô tô để ngủ tránh nóng do bị cắt điện.
Theo thông tin người nhà cung cấp, khi nhà mất điện 3 bố con người Hải Phòng nổ máy ô tô trong gara, để nằm ngủ tránh nóng.
Đến khi gia đình phát hiện, con gái đầu đã tử vong vì ngạt khí, người bố và con gái thứ đang hôn mê đã được cấp cứu tại bệnh viện Kiến An, Hải Phòng sau đó chuyển tới Bệnh viện Quân đội 108 trong tình trạng suy hô hấp, trụy mạch phải thở máy, thuốc vận mạch.
Sau hơn 1 ngày được hồi sức tích cực, tình trạng chung của 2 bố con đã cải thiện, ý thức tỉnh táo, đã được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch.
Hiện tại tình trạng của 2 bố con ổn định, tiếp tục được theo dõi và ra viện trong thời gian tới.
TS, bác sĩ Lê Lan Phương, PT Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khi bật điều hòa xe ô tô để ngủ trong khi đóng kín cửa xe sẽ làm sản sinh một lượng lớn khí CO và CO2 ra môi trường xung quanh, có thể gây ra suy hô hấp, tử vong.
Khí này tiếp tục được điều hòa hút vào trong khiến những người ngủ bên trong xe bị ngạt khí. Nạn nhân sẽ mất ý thức, hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một nguy cơ nữa cũng có thể xảy ra là nếu đóng kín cửa xe ô tô trong khi ô tô dừng quá lâu đặc biệt khi trời nóng sẽ có thể làm xe hết nhiên liệu dẫn đến dừng hoạt động, đặc biệt khi bật chế độ gió trong.
Lúc đó khí trong xe sẽ không trao đổi được với bên ngoài đồng thời nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên khiến người trong xe sẽ thiếu dưỡng khí và sốc nhiệt, tử vong nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Về việc ngộ độc khí CO khi bật điều hòa xe ô tô để ngủ tránh nóng, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, đây là tai nạn không hiếm gặp, tuy nhiên vẫn nhiều người chủ quan.
TS Nguyên cũng cho biết thêm, khí CO sinh ra trong môi trường nhiên liệu có các bon bị đốt cháy không hoàn toàn. Có thể là trong quá trình đốt củi, than sưởi ấm, đốt xăng dầu khi bật các loại động cơ để chạy máy sưởi hoặc điều hòa, trong các đám cháy...
"Ở Việt Nam, những tai nạn ngộ độc khí CO trong quá trình sinh hoạt không phải mới lạ. Nhiều vụ ngộ độc khí CO đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Phổ biến là người dân đốt nhiên liệu trong điều kiện thiếu không khí như đốt than (kể cả than củi hay than tổ ong) để sưởi ấm trong phòng ngủ hoặc phòng tắm đóng kín.
Cấu trúc nhà Việt Nam ngày nay thường là bê tông cốt thép đóng kín, không được quan tâm đến vấn đề thông khí nên khi đưa các nhiên liệu cháy vào phòng rất dễ gây ngộ độc khí", TS Nguyên nhận định.
TS Nguyên cho biết, vào mùa hè như hiện nay, khi người dân chạy máy phát điện trong nhà kín, khói bốc lên cũng gây ngộ độc. Hoặc có không ít người bật điều hòa ngủ xe ô tô và ngủ trong xe đóng kín, khói xe cũng có nguy cơ khiến người ngủ bên trong bị ngộ độc khí CO.
"Khí CO không màu, không mùi và hấp thu rất nhanh vào cơ thể, gây ngộ độc rất nhanh. Nó ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy của máu, ngăn cản sự hô hấp của từng tế bào, đặc biệt các tế bào có chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim và các cơ quan khác.
Do quá trình ngộ độc diễn ra rất nhanh nên người bị ngộ độc không kịp phản ứng thì đã bất tỉnh ngay. Ngộ độc nhẹ thoáng qua có thể gây đau đầu, khó thở nhưng khí CO có nồng độ cao thì sẽ khiến người ngộ độc hôn mê, co giật rồi tử vong nhanh chóng. Con người không có cơ chế phòng vệ trước ngộ độc khí CO ở nồng độ cao", TS Nguyên giải thích thêm.
Theo TS Nguyên, ngộ độc CO ở mức độ nhẹ gây ra đau đầu, buồn nôn, đau bụng nên thường bị chẩn đoán nhầm sang cảm cúm, ngộ độc thức ăn...
TS Phương cho biết, trong trường hợp phát hiện người hôn mê trong xe ô tô nghi ngờ do ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí, hỗ trợ hô hấp/hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngừng thở và chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhân để được hỗ trợ.
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện.
Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng.
"Trong điều kiện nắng nóng, cắt điện luân phiên như hiện nay đã có không ít người dân bật điều hòa xe tô tô để tránh nóng bên trong. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ngạt khí gây tử vong rất cao. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, gây hại cho sức khỏe, tính mạng của mình và người thân", TS Phương cảnh báo.