Dân Việt

Lọc máu liên tục cứu bé 17 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng chuyển nặng

Bạch Dương 08/06/2023 15:15 GMT+7
Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vừa tiếp nhận một ca tay chân miệng chuyển nặng từ độ 3 sang độ 4, suy hô hấp chỉ trong 4 giờ đồng hồ.
Lọc máu liên tục cứu bé 17 tháng tuổi bị tay chân miệng chuyển nặng - Ảnh 1.

Bệnh nhi đang lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi 17 tháng tuổi ở Trà Vinh bị sốt trước đó 3 ngày, điều trị ở phòng khám tư nhưng không đáp ứng. Đến ngày thứ 4, trẻ sốt cao khó hạ, nhiều cơn giật mình, chới với. Trẻ được chuyển lên TP.HCM trong tình trạng mạch trên 200 lần/phút, suy hô hấp, da bông tái. Tình trạng bệnh tay chân miệng độ 3 tiến triển lên độ 4 chỉ sau 4 giờ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40-41 độ C. Hiện bệnh nhi đáp ứng với những biện pháp hồi sức ban đầu, được điều trị cách ly và theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP đã có 1.670 trẻ mắc tay chân miệng, hiện đang điều trị nội trú 68 ca, trong đó 6 ca nặng (độ 3, 4).

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã ghi nhận một bé trai 5 tuổi tử vong sau khi mắc tay chân miệng. 6 mẫu bệnh phẩm của các bé mắc tay chân miệng nặng tại đây cho kết quả dương tính với chủng EV71. Sự xuất hiện trở lại của EV71 được đánh giá là đáng lo ngại.

Để chủ động ứng phó với diễn biến dịch tay chân miệng, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).

Ngành y tế cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch chồng dịch (tay chân miệng và sốt xuất huyết) trên địa bàn. Sở Y tế TP đã yêu cầu kích hoạt các đội phản ứng nhanh, tất cả các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch tay chân miệng trên địa bàn.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Ở mức độ nặng, trẻ có thể bị biến chứng thần kinh, viêm cơ tim, viêm não thậm chí tử vong. Phụ huynh cần đưa trẻ tái khám đúng hẹn, theo sát các trường hợp sốt cao, run yếu tay chân hay ngủ giật mình, tránh nguy cơ chuyển nặng đột ngột.