Trong thời gian vừa ra, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube hay các loại game đang cho thấy nhiều xấu hiệu vi phạm, không kiểm soát được nội dung của người dùng đăng tải trên nền tảng của mình.
Thực tế, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã chỉ ra những sai phạm của các nền tảng này. Đồng thời, tháng 5 vừa qua đã đoàn kiểm tra đối với TikTok về những vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật của Việt Nam.
Mới đây, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin các vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ. Trong đó, đáng chú ý nhất được người dân quan tâm trong thời gian gần đây là việc các nền tảng mạng xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu thực trạng hiện nay đang diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Theo đó, ngày càng nhiều chiêu thức mới mà nổi bật nhất phải kể đến việc livestream quảng cáo các ứng dụng cờ bạc online, khiêu dâm trên nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng này hoạt động công khai, bất chấp khi dùng nhiều thủ đoạn để lôi kéo người dùng.
Những bộ phim ngắn với nội dung giang hồ mạng, ảnh hướng xấu đến 1 bộ phận người xem xuất hiện ngày càng nhiều trên YouTube. Trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới còn xuất hiện tình trạng bán hàng giả, nhái với mức giá rẻ không được kiểm soát chặt chẽ khiến người dùng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, không chỉ trên mạng, ngoài đời thực cũng diễn ra tình trạng các xe dịch vụ dán decal ở cửa xe để quảng cáo công khai cho website cờ bạc cũng đã được báo chí ghi nhận, phản ánh liên tục trong thời gian qua.
Những nội dung xấu độc, quảng cáo trái phép game lậu, ứng dụng cơ bạc giúp các đối tượng thu lợi bất chính gây thất thoát thuế của nhà nước.
Trong cuộc hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh, Thứ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trên thế giới cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra, chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi đó, quốc gia đứng ở vị trí thứ 2 về kiếm tiền gian lận chỉ chiếm 5%, tức chỉ bằng 1/10 của Việt Nam. Đây là kỷ lục buồn, đáng quên của Việt Nam.
Thứ trưởng Lâm cũng cho rằng, người dùng Việt Nam đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm việc vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.
Thông tin cụ thể, Thứ trưởng cho biết, các hình thức vi phạm phổ biến trên không gian mạng của người dùng Việt hiện nay gồm: vi phạm bản quyền, đăng lại nội dùng của người trên YouTube, mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia nhỏ, lập kênh YouTube rồi bán cho khán giả Mỹ, livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc các đài truyền hình để thu hút lượt xem và kiếm tiền từ quảng cáo cờ bạc.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, người Việt đang làm ăn, kiếm sống, xây dựng tên tuổi, tương lai cho mình trong một hệ sinh thái thật giả lẫn lộn. Chính vì thế, cần phải làm sạch môi trường mạng để không trở thành nạn nhân của gian lận, không thể cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nhắm mắt làm ngơ trước cái sai và trục lợi từ cái sai. Không có chuyện, tiền quảng cáo đã đã đi vào kênh tử tế lại tiếp tục đi vào kênh phản cảm, xấu độc.
Những nội dung xấu, độc ngày càng xuất hiện nhiều hơn nên các cơ quan quản lý đang triển khai những biện pháp "mạnh tay" hơn nhằm trong sạch không gian mạng.
Theo số liệu Bộ TT&TT đưa ra, từ ngày 15/4 - 15/5/2023, Facebook gỡ bỏ, chặn hơn 399 bài viết đăng tải thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (chiếm tỷ lệ 91%). Đối với Google, con số này là 1.901 video vi phạm trên YouTube (đạt tỷ lệ 94%), TikTok gỡ bỏ 51 link đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (chiếm tỷ lệ 98%).
Việc thực hiện này còn được Bộ TT&TT triển khai mạnh mẽ đối với các nền tảng mạng xã hội đang vi phạm tại Việt Nam. Trong đó, tháng 5 vừa qua đã có đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với TikTok Việt Nam và trong tháng 6 này sẽ có kết luận chính thức.
Đối với Facebook, Bộ TT&TT cũng hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên nền tảng này một cách hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên YouTube và gỡ bỏ các kênh YouTube xấu độc tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, việc cấm nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới ở Việt Nam sẽ còn tuỳ thuộc vào sự hợp tác của 1 trong 3 bên gồm: nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các KoLs, mạng lưới quản lý đa kênh và công ty truyền thông...
Trong tháng 5 vừa qua, Bộ TT&TT cũng cho biết về việc quản lý, giám sát thông tin tiêu cực trên báo chí. Cụ thể, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 22,8%, tăng 2,2% so với tháng trước đó. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chỉ chiếm 61,3%, giảm 1,4% so với tháng liền kề.