Theo thông tin từ người nhà, khoảng 17h ngày 6/6, bé T. mang nấm mọc từ xác ve sầu phía sau rẫy vào chế biến thành thức ăn. Cùng ăn còn có mẹ của bé, T. ăn 5 cái, mẹ của T. ăn 2 cái.
Khoảng một tiếng sau, người nhà phát hiện cả hai mẹ con bị đau bụng quặn từng cơn, chóng mặt, nôn ói ra thức ăn cũ và được đưa đến bệnh viện địa phương.
Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, T. được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng còn hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận.
Qua thăm khám và được đội ngũ nhân viên khoa cấp cứu khẩn trương điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tình trạng bé T. cải thiện dần, đang thở oxy, truyền dịch và được bác sĩ theo dõi sát sao.
Thời gian qua đã có trường hợp ngộ độc vì ăn nấm ký sinh trên xác ve sầu, BS.CK2 Vũ Hiệp Phát nhắc nhở phụ huynh nên thận trọng. Bởi đây là thời điểm hoạt động của ve sầu kết hợp những cơn mưa lớn, là điều kiện cho nấm độc Gyrommitrin ký sinh trên thân ve đâm chồi, phát triển.
Nhiều người lầm tưởng đây là loại nấm thông thường hay như "đông trùng hạ thảo", nên mang về chế biến thành thực phẩm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, ngộ độc Gyrommitrin hiện chưa có thuốc đặc trị, người dân cần tránh sử dụng các loại nấm hình thù lạ, chưa thông dụng trên thị trường để đảm bảo an toàn, chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Các loại nấm độc, kể cả sau khi đun nấu, độc tố vẫn bền vững, không bị phá hủy.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác trong việc ăn nấm hoang dã vì khó phân biệt đâu là nấm độc và nấm không độc, đặc biệt ăn nấm theo trào lưu nấm bổ dưỡng như nấm trứng gà, nấm trứng ngỗng truyền tai trên mạng xã hội. Trường hợp bị ngộ độc nấm, người thân cần mang theo mẫu nấm hoặc hình ảnh của cây nấm nạn nhân đã sử dụng khi đến bệnh viện cấp cứu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ xác định được loại nấm, xác định được độc tố và có giải pháp điều trị tối ưu.