Chia sẻ bên lề "Lễ ký kết triển khai giải pháp xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip và tự động hóa quy trình nghiệp vụ bằng Robot", ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cho biết, mỗi năm ACB đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, ACB tập trung nhiều hoạt động về đầu tư hạ tầng, ví dụ như hạ tầng về cloud (đám mây), hạ tầng liên quan đến security (bảo mật) và các hạ tầng khác về data (dữ liệu). Ngoài việc đầu tư về hạ tầng, ACB cũng đầu tư rất nhiều vào các ứng dụng cho khách hàng để đảm bảo tăng trải nghiệm ngân hàng số của ngân hàng cũng như các hoạt động giải pháp về AI (trí tuệ nhân tạo), chat bot cũng như liên quan robotics (tự động hoá).
Với những tiến bộ ngày càng nhanh của công nghệ, những công nghệ liên quan AI, liên quan robot sẽ là công nghệ tiên phong mà các ngân hàng nói riêng, tất cả các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung sẽ áp dụng rất phổ biến. Đây là bước tiến rất lớn trong hoạt động của ngân hàng thời gian tới.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB
Khi tiến hành hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng, ACB lấy mô hình kinh doanh là kim chỉ nam cho hoạt động chuyển đổi số. Khi đầu tư, ACB tính toán rất kỹ về hiệu quả. Đầu tư cho chuyển đổi số có thể lên đến 1.000 tỷ/năm nhưng doanh thu mang lại lớn hơn rất nhiều.
Minh chứng là 10 năm qua, quy mô tài sản của ACB tăng gấp 4 lần, lợi nhuận tăng gấp 17 lần nhưng chỉ tăng 0,3 lần về quy mô nhân sự. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, quy mô giao dịch online (trực tuyến) của ACB tăng gấp 4 lần.
Nói thêm về đầu tư vào chuyển đổi số, vị lãnh đạo cho biết, Ngân hàng ACB chia đầu tư thành 2 nhóm. Đầu tư về hạ tầng là nhóm không thể tiết kiệm được vì liên quan nền tảng của một ngân hàng. Đầu tư liên quan các ứng dụng ACB xem xét rất kỹ đến các giải pháp. Giải pháp nào thực sự mang đến trải nghiệm khách hàng tốt thì mới đưa vào ngân hàng.
"Chúng tôi không áp dụng một cách tràn lan theo kiểu tất cả giải pháp nào công nghệ có đều đưa vào ngân hàng khiến đầu tư sẽ dàn trải và thiếu hiệu quả", ông Phát chia sẻ.
Cuối tuần qua, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã ký kết hợp tác triển khai Giải pháp chống giả mạo xác thực số - FPT.IDCheck và Giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ bằng robot - akaBot. Đây được coi là dấu ấn quan trọng của ACB trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ AI và Robotics.
Ở giai đoạn đầu, ACB ứng dụng FPT.IDCheck cho việc cấp thẻ tín dụng trên ngân hàng số ACB One, xác minh khi mở tài khoản, mở thẻ tín dụng tại kênh phân phối. Ngân hàng ACB sẽ liên tục mở rộng phạm vi áp dụng cho các nghiệp vụ khác.
FPT.IDCheck xây dựng trên nền tảng ứng dụng xác thực CCCD gắn chip của Bộ Công an, cho phép đọc và xác thực dữ liệu trên thẻ, nhận diện khuôn mặt với độ chính xác tuyệt đối. ACB là ngân hàng đi đầu ứng dụng các giải pháp Digital Identity, trong đó có FPT.IDCheck.
ACB đã triển khai các phương thức như eKYC hay Video Call Face Identity. Việc bổ sung giải pháp FPT.IDCheck giúp thông tin khách hàng tự động nhập đầy đủ, nhanh chóng và chính xác từ thông tin lưu trong chip của CCCD. Dữ liệu đồng thời đối chiếu với thông tin lưu tại Bộ Công an, ngăn chặn việc giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch với ngân hàng. Toàn bộ quá trình xác thực thuận lợi với khách hàng, đảm bảo quy định bảo mật trong dịch vụ ngân hàng.
ACB cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA - Robotic Process Automation, giúp tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, tăng năng suất lao động của nhân viên, giảm sai sót và tối ưu quy trình hoạt động, hướng tới số hóa toàn bộ quy trình, hoàn thành giai đoạn Digitalization tại ACB.
Theo Tổng Giám đốc ACB, năm nay ngân hàng dự kiến tự động hóa gần 300 quy trình bằng Robotics và sẽ mở rộng lên tới 1.400 quy trình đến năm 2025. Kết quả dự kiến giúp tiết kiệm 1,4 triệu giờ lao động của hơn 2.000 nhân viên toàn hệ thống.
"Chúng tôi đánh giá dữ liệu phân tích và công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tối ưu năng suất lao động cũng như giảm thiểu sai sót", ông Phát nói.