Thùy Dung (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu) tốt nghiệp chuyên ngành về kinh tế tại trường đại học Vinh, Nghệ An. Hai năm ra trường công việc vẫn bấp bênh, không ổn định, cô gái Nam tiến kiếm việc, ở nhờ tại nhà người chị họ.
Mọi thứ không trôi chảy như hình dung của Dung về miền "đất lành chim đậu". Cô từng nghĩ rằng mình sẽ làm một công việc văn phòng, ngồi máy lạnh, sáng ăn mặc đẹp chiều về phòng trọ, tháng chỉ cần dư vài triệu đồng...
Dung vào làm ở một vài công ty nhưng chỉ được thời gian rồi nghỉ. Có nơi lương thấp, môi trường ngột ngạt, có nơi lương ổn chút thì công việc không đúng chuyên môn. Lúc đó, Dung nhảy việc liên tục nên luôn rơi vào cảnh tiền kiếm không đủ trang trải sinh hoạt.
Nơi Dung gắn bó lâu nhất là công ty về lĩnh vực tài chính được người quen giới thiệu với mức lương hậu hĩnh, nằm ngoài mong đợi của cô thời điểm đó. Lương cao nhưng cô gái vẫn không tìm thấy niềm yêu thích với công việc, luôn trong tình trạng chán nản, mệt mỏi, uể oải...
"Mỗi sáng, nghĩ cảnh đi làm, dắt xe ra khỏi phòng trọ phi lên công ty là tôi như bị bào rút mọi năng lượng. Thu nhập khá, môi trường dễ chịu, không có lý do gì để ghét nhưng tôi không hạnh phúc với công việc lúc đó của mình", Dung nhớ lại.
Đang tính ráng chịu đựng qua ngày thì công ty phá sản, Dung rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau đó, cô nhận việc ở hai công ty khác nhưng tình trạng chán nản càng trầm trọng, lại thêm đồng lương công sở chỉ hơn 7 triệu đồng, vô cùng chật vật với đủ khoản cần trang trải.
Nhiều đêm nằm tâm sự với người chị họ, Dung luôn hồi tưởng ngày bé luôn vui thích được chăn nuôi, làm vườn, được làm việc nhà, đi chợ nấu nướng, chăm chút gia đình...
Sau khi học đại học, Dung cũng từng đề xuất với mẹ, mình sẽ về quê sống làm vườn, nội trợ. Mỗi lần vậy, mẹ Dung lại đưa tính mạng ra đe dọa con cái theo cách quen thuộc của bà với lời đáp "mi về đây là tau chết". Với mẹ, con học đại học rồi thì nhất định phải đi làm ở văn phòng, lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, ngồi máy lạnh an nhàn...
Cô gái cũng từng có ý định đi học chứng chỉ mầm non để đi dạy nhưng rồi lo xoay xở cuộc sống, lại thiếu ý chí nên cũng không thực hiện được.
Gần 3 năm trước, khi hiểu rõ sở thích chăm sóc nhà cửa, lo việc gia đình, Dung xin làm... giúp việc nhà, bỏ công sở. Cô làm việc cho một gia đình giàu có ở quận Bình Thạnh, TPHCM có hai con nhỏ. Công việc hàng ngày của cô là chăm sóc, đưa đón hai đứa trẻ đến trường và nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Biết nữ giúp việc có bằng đại học, có thể kèm cặp hai con học, chủ nhà trả mức lương ban đầu là 11 triệu đồng. Sau hai năm làm việc, mức lương hiện tại của Dung là 15 triệu đồng.
Với công việc này, không phải lo chi phí ăn ở, sinh hoạt, Dung gần như giữ được nguyên lương. Hiện tại, mỗi năm Dung để dành được khoảng 150 triệu đồng tính cả tiền lương tháng 13, thưởng Tết và các khoản thưởng trong năm.
Cựu nhân viên văn phòng kể, công việc giúp việc nhà cũng có lúc đụng độ, mâu thuẫn này kia, môi trường làm việc ít gặp gỡ, tiếp xúc. Nhất là với người trẻ tuổi còn phải đối mặt với điều tiếng "nữ giúp việc - ông chủ".
Nhiều người biết công việc của Dung nói ra nói vào. Cô cũng biết làm "ô sin" không có tương lai nhưng có điều không thể phủ nhận, cô vui thích với việc lau dọn, bày biện nhà cửa, đi chợ nấu ăn, muối dưa muối cà, tối về chơi với mấy đứa nhỏ...
Dung giấu nhẹm công việc mình gắn bó nhiều năm qua với gia đình chủ, đặc biệt là với mẹ. Bà vẫn tưởng con gái làm việc văn phòng, ngồi phòng lạnh...
Lâu lâu, Dung lại bận đồ công sở, cầm giấy bút ngồi trước laptop rồi chụp hình gửi cho mẹ, thông báo "công việc con ổn".
"Dù không ăn cắp ăn trộm, kiếm sống bằng năng lực và niềm yêu thích của mình nhưng tôi vẫn không thể sống với thật chính gia đình mình. Mẹ tôi sẽ héo mòn và đau khổ đến chết nếu biết đứa con gái học đại học ra lại đi làm... ô sin", Dung trải lòng.
Nói về dự định tương lai, Dung tiết lộ cô đang ấp ủ kế hoạch sẽ du học nghề điều dưỡng. Cô muốn nước ngoài học và làm việc vài năm trong lĩnh vực này để rèn tay nghề và kiếm thêm ít vốn trước khi về nước tìm việc.
Bỏ việc văn phòng đi lao động tay chân, lao động nghề như trường hợp của Dung không hiếm trên thị trường lao động. Có thời gian, chúng ta đã chứng kiến tình trạng hàng loạt cử nhân gác bằng đại học đi học nghề, làm việc tay chân.
Điều này xuất phát từ thực tế, vị trí công việc, cơ hội việc làm dành cho những người có tay nghề luôn cao hơn so với nhu cầu dành cho nhóm học đại học và sau đại học.
Nhiều người gác bằng đại học hay từ bỏ công việc hiện tại đi học nghề để tìm thêm cơ hội nghề nghiệp cho mình. Hơn nữa, với không ít người, đây còn là cách để tìm lại chính mình, theo đuổi công việc theo sở thích, năng lực của bản thân, chỉnh lại hướng chạy chệch đã chọn trước đó.
Tốt nghiệp bằng giỏi về lĩnh vực truyền thông, nhận học bổng du học 1 năm ở nước ngoài, chị Hoàng Ngọc Giang, 31 tuổi, ở TPHCM gây sốc khi bỏ công việc để đi học làm nail (làm móng) và chăm sóc sắc đẹp.
Chị Giang kể ngày nhỏ chị đã mê làm đẹp, thích làm móng, nhổ tóc bạc cho người khác. Ai đến nhà chơi chị cũng lôi ra bằng được để cắt móng, tỉa mày. Nhưng rồi con đường học hành đưa đẩy chị vào... đại học và cứ học mà chưa bao giờ hỏi mình có thích lĩnh vực đó không.
Làm việc mình không hề yêu thích, chị luôn trong căng thẳng, mệt mỏi, không hiệu quả. Mất 7 năm trời đấu tranh, bùng nổ, chị Giang mới dám từ bỏ tất cả để tìm lại chính mình trong... sự thất vọng của gia đình.
Theo chị Giang, nhiều người không được hướng nghiệp đúng cách, không được khuyến khích phát triển năng lực và đam mê của bản thân. Rất nhiều người như chị đã từng, đau khổ, bế tắc khi khoác một chiếc áo quá rộng hoặc không phù hợp...