Tối 12/6, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp sau kỳ thi vào lớp 10 năm học 2023-2024. Liên quan đến vụ đề Toán in mờ, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Hà Nội thông tin, sau quá trình rà soát và xác minh, Hội đồng thi của Sở GDĐT Hà Nội kết luận đề thi không sai sót về nội dung nhưng một số đề bị mờ do mục in không rõ, dấu gạch ngang bị đứt quãng khiến thí sinh hiểu nhầm.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Sở GDĐT yêu cầu Hội đồng ra đề thi bổ sung thêm đáp án với trường hợp bị nhầm đề do mực in không rõ. Như vậy, các thí sinh hiểu nhầm đề thi Toán in mờ vẫn được chấm và chấp nhận đáp án nếu đúng.
Theo đó, ở câu 3, ý 1 yêu cầu học sinh giải phương trình. Do mực in không rõ nên phần gạch ngang bị đứt quãng khiến học sinh nhìn nhầm thành -2. Vậy sau khi Sở chấp nhận cả 2 đáp án đúng, học sinh có kết quả thế nào mới được chấm điểm?
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã gợi ý đáp án câu hỏi trong đề thi Toán in mờ.
Theo cô Phương Dung: "Không có quy định nào dấu - bắt buộc phải đặt cạnh số 2 mà có thể ở cạnh dấu gạch ngang. Vì vậy, học sinh trong tâm lý căng thẳng trong thời gian làm bài có hiểu lầm dấu - cũng là điều dễ hiểu".
Thầy Võ Quốc Bá Cẩn, giáo viên trường Archimedes Academy Hà Nội, nhìn nhận đây là sự việc hy hữu. Thầy Cẩn cho rằng: "Nếu bình tĩnh và nhìn kỹ, học sinh sẽ thấy phần bị mờ là dấu phân số, bởi so về kích thước hay vị trí của phép tính x-3, phương trình này không lớn hơn phương trình phía dưới".
Song, theo thầy Cẩn, có thể do thí sinh bị tâm lý, chưa cẩn thận và quan sát kỹ, dẫn tới làm sai.
Đáp số đúng của bài toán là (x,y) = (7/2, 1). Còn nếu nhầm phép tính thành dấu âm, nghiệm là (83/26, -19/5).
Xét về quy định, thầy Cẩn cho rằng Sở GDĐT, hội đồng thi không sai. Khi có nghi vấn về đề thi, học sinh có quyền thắc mắc nhưng có thể các bạn không dám hỏi, hoặc hiểu nhầm yêu cầu "giám thị không giải thích gì thêm".
Thầy Cẩn cho rằng, nếu nhìn nhầm mà thí sinh vẫn có thể tính ra kết quả, điều đó cho thấy em đó vẫn có khả năng".
Theo các giáo viên, khoảng 5 năm trở lại đây, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán tại Hà Nội ổn định với 5 bài. Bài 1 về biểu thức chứa căn bậc hai, với ý tính toán, rút gọn rất cơ bản và một ý nâng cao để đạt 8 – 9 điểm. Bài 2 gồm giải toán bằng lập phương trình, hệ phương trình và một ý tính toán trong hình học không gian. Đây là một bài cơ bản nhưng đưa đến 2,5 điểm nên rất quan trọng.
Bài 3 về phương trình, hệ phương trình hoặc hàm số. Trong bài này, các ý như giải hệ, giải phương trình, tìm điều kiện để phương trình có nghiệm… là cơ bản, còn ý cuối liên quan tới Định lý Viete sẽ là ý nâng cao cho mức 8 – 9 điểm. Bài 4 là bài hình học, thường có ba ý, với hai ý đầu khá đơn giản khi các em nắm chắc kiến thức cơ bản. Ý cuối thường gồm 2 câu hỏi nhỏ mang tính phân loại. Bài 5 thường hỏi về bất đẳng thức, dành cho mức điểm từ 9,5 đến 10.