Trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi tìm được bài viết phản hồi của các vị khách sau khi hoàn thành giao dịch "mặt hàng" rùa. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là bức hình sống ảo đầy lung linh nhưng khi lướt xuống những dòng bình luận thì đây lại là điều thật đáng buồn. Những hình vẽ trên mai rùa được người bán cất công dán lên đã thu hút sự tò mò và chú ý của trẻ nhỏ.
Nhưng khi mai rùa bị mờ dần thì đồng nghĩa với việc rùa cũng hết giá trị. Một dòng bình luận cắt ngang của chủ tài khoản tên Ngọc Mai đã chia sẻ: "Vứt đi chị ơi, mua con khác cho bé 40K một con thôi ấy mà (PV: 40.000 nghìn đồng). Qua em cũng vừa mua ở chợ cho con nhà em đấy" khi thấy chị có tên nick Facebook C.M hỏi cách xử lý hình vẽ trên mai rùa bị mờ, không còn vẻ đáng yêu như trước.
Không chỉ dừng lại ở thú chơi rùa ngoại lai, rùa cạn Việt Nam mà những người mê rùa còn tự gắn mác "bác sĩ thú y" cho bản thân. Một hội nhóm "Rùa cảnh cơm nguội" hoạt động trên nền tảng mạng xã hội Zalo, nơi hội họp của dân chơi và dân buôn rùa chia sẻ về cách chọn rùa, địa chỉ mua, thức ăn nuôi rùa và thậm chí là "nhìn hình phán bệnh".
Chủ tài khoản tên H. hướng dẫn mọi thành viên chữa bệnh khi con rùa bị bệnh phổi: "Mua kháng sinh về pha vào nước cho uống đi" hay một tay chơi khác lại có "ý tưởng": "cho ăn thức ăn màu gì thì rùa sẽ ra màu đấy".
Cứ như vậy mà mỗi tay chơi rùa lại tự phong cho mình cái chức danh "bác sĩ" để chữa bệnh cứu rùa. Mỗi lần rùa bị bệnh người nuôi lại tìm đến hội nhóm để bày cách chữa trị. Họ tin rằng những người chơi lâu năm, dân chơi rùa chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm.
Một điều vô lý là khi rùa cảnh có lỗ mũi không đều và cách mà dân nuôi rùa cho rằng có thể khắc phục như chủ tài khoản có tên D. chia sẻ : "Chọc cho nó đều". Còn chủ tài khoản tên L. cười khi tâm sự với chúng tôi: "Rùa chơi chán thì vứt, chứ bệnh tật đầy, lười chạy chữa. Mua con mới cho đẹp".
Trong môi trường tự nhiên, rùa là loài thuộc lớp bò sát nhưng khi đặt song song với sự tồn tại của con người, rùa được thần thánh hóa là con vật giúp gia chủ may mắn, làm ăn phát đạt. Với niềm tin vô căn cứ, vào dịp Tết, mùng 1 hay ngày Rằm, người dân thường mua rùa để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành. Song sự tốt lành, may mắn có thể chưa nhìn thấy nhưng rùa vừa thả xuống đã "nổi lềnh bềnh" lại là điều dễ để quan sát.
Ghé vào một cửa hàng bán đồ phóng sinh gần chùa Ngọc Hoàng (số 73, đường Mai Thị Lựu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi ngỏ ý muốn mua rùa để phóng sinh. Chủ cửa hàng giới thiệu loại rùa xanh, một loài rùa thông dụng với giá thành dao động 100.000 nghìn đồng/con. Chị M. - chủ cửa hàng chia sẻ với chúng tôi rằng, việc thả phóng sinh rùa được ưa chuộng nhiều. Một số người sẽ vào những ngôi chùa cho phép thả phóng sinh để thả, còn không sẽ ra những con đê gần chùa để thả trực tiếp.
Sau khi chúng tôi đặt câu hỏi về tình trạng rùa sau phóng sinh, liệu chúng có thể sống sót hay bị những tay săn lùng vớt lên bán lại thì chị chủ vội giải thích bằng luật nhân quả: "Mình phóng sinh rùa đồng nghĩa mình trả nghiệp, người ta bắt về đồng nghĩa gánh nghiệp cho mình. Khi phóng sinh mình cầu sức khỏe, làm ăn thuận lợi, cha mẹ hạnh phúc, thả rùa đi để gánh vác những điều đấy. Một khi đã phóng sinh nghĩa là nghiệp đã được thả, sau đó mọi chuyện sẽ thuận theo tự nhiên".
Những giải thích vô căn cứ có lẽ đã dễ dàng thuyết phục và dần trở thành niềm tin u muội trong tâm tưởng của một bộ phận người dân. Điều này khiến họ lầm tưởng phóng sinh rùa như một cách khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết trong quá trình phóng sinh sẽ gây ra vấn nạn cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học.
Chúng tôi được người dân giới thiệu tới một con sông gần chùa Ngọc Hoàng. Tại đây, theo người dân rùa được thả nhiều vào mùng 1 và những ngày rằm. Tuy nhiên, một hiện trạng đáng buồn là rùa và cá khi thả xuống đã bị chết rất nhiều, nhiều con còn nổi lềnh bềnh trên nước.
Điều đáng đề cập đến ở đây là những loại rùa phóng sinh không chỉ dừng lại ở loại rùa ngoại lai thông thường mà còn là các loại rùa cạn trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam.
Loại rùa này được giới nhà giàu ưa chuộng nhiều trong phóng sinh, "mấy ông giàu chi tiền rất mạnh tay cho việc phóng sinh rùa, gần đây còn có anh lấy của chị 5 con một lần. Người ta yêu cầu khắc chữ lên mai rùa để may mắn hơn, khắc chữ để gánh hết xui xẻo nhà mình đi" - Chị M. chủ quán rùa phóng sinh đối diện chùa Ngọc Hoàng chia sẻ với chúng tôi.
Những loài rùa phóng sinh được thần thánh hóa công dụng, trở thành thứ thần kì mang vác hết những rủi ro trong cuộc sống. Một quan niệm mà người dân nơi đây truyền tai nhau rằng: "Rùa càng hiếm thì phóng sinh xong sẽ gặp nhiều may mắn hơn" chính là lý do mà các loài rùa quý hiếm ở Việt Nam được săn lùng và xuất hiện nhiều tại sông hồ, đô thị lớn.
Đặc biệt, việc mua bán rùa để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nói chung.
Lần theo đường dây buôn bán thịt rùa trên chợ ảo, chúng tôi đã có mặt tại quán Rùa Cu Ẩn (Long Bình, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh). Nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Xiển, hai bên đường chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm, nơi mà chúng tôi và người lái xe lâu năm cũng hoài nghi: "Liệu đây có phải là một địa chỉ ảo hay không?".
Đi vào ngõ cụt chúng tôi mới có thể nhìn thấy được ngôi nhà. Thoạt nhìn, địa điểm giống như một nhà dân bình thường thế nhưng sau lời giới thiệu của nhân viên chúng tôi nhận ra đây là một nhà hàng với mô hình quán nhậu miệt vườn, xung quanh là những nhà chòi, nơi khách đến quán sẽ ăn tại đó.
Sau khi bàn luận, chúng tôi quyết định nhập vai thành thư ký cho một ông sếp lớn muốn tìm món rùa hầm để bổ khí. Sau khi dò hỏi, chúng tôi được biết rằng nhà hàng chỉ nhận đặt trước là nhiều và ở cửa hàng chỉ có khoảng 2 con phòng trừ vì theo nhân viên nói "giờ mình chỉ bán có 2 con vậy thôi, ai đặt trước thì chị lấy chứ đâu có bán được nhiều".
Tại cửa hàng, những loại rùa phục vụ thượng khách được các chuyên gia về rùa xem hình ảnh cho rằng là "rùa mây" (hay còn gọi là rùa nắp, rùa hộp lưng đen).
Loài rùa hiếm được cửa hàng nhập từ một nguồn khác mà khi chúng tôi hỏi thì nhân viên lại bối rối, không trả lời. Người bán luôn miệng khẳng định rùa tự nhiên, bao sống khi được hỏi về chất lượng và cân nặng của mỗi con rùa: "Ở đây người ta uy tín nào giờ, cô đặt mấy kí là có mấy kí, người ta làm kỹ lắm. Mấy ông sếp hay đặt trước rồi sang chòi bên kia để ăn".
"Với mức giá 850.000 đồng/kg, mọi người đều có thể đến tại quán và thưởng thức món rùa hấp hành, đặc sản nổi tiếng của quán" - lời mời chào đon đả của nhân viên cửa hàng khiến chúng tôi buồn bã ở trong lòng.
Tỏ ra tự tin khi quen biết cơ quan chức năng, nhân viên cửa hàng cho biết: "Ăn ai người ta bắt. Ông chủ ở đây cũng có quen nên hôm bữa mới đem ra cho xem thôi. Chứ ví dụ mà không quen thân thì chỉ đặt tới đây ăn chứ không có đi làm đâu, người ta bắt rùa rồi nhờ chị xuống dưới nấu. Hôm nay đặt, ngày mai có liền".
Những hình ảnh làm thịt rùa được thu nhập từ địa chỉ trang web đánh giá phản hồi của nhà hàng cũng khiến chúng tôi "sởn gai ốc". Hình ảnh nội tạng rùa tràn ra, rùa cái bị "moi" lấy buồng trứng, đầu bếp chế biến tươi ngay tại chỗ, máu rùa chảy dọc theo cánh tay người thợ. Những cảnh tượng trong quá trình chế biến được đăng tải như một niềm tự hào, bởi từ đấy món thịt rùa thơm ngon hảo hạng mới có thể được dâng lên thực khách.
Các món ăn như rùa hấp hành, rùa hầm thuốc bắc, rùa xào sả ớt… và ti tỉ món ăn nữa làm từ rùa với lời đồn là có "dược tính" thần kỳ được các thực khách ưa chuộng. Những lời đồn thổi chưa có căn cứ này đẩy những loại rùa quý hiếm, vốn phải được bảo vệ nghiêm ngặt đang bị buôn bán khắp nơi.
Đón đọc bài 3: Kẽ hở nào trong công tác quản lý, bảo vệ rùa