Tại phiên toàn thể "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cơ hội cho Việt Nam khai thác, phát triển.
Mở đầu phát biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Cách mạng 4.0 tạo ra tri thức mới, chỉ tri thức mới tạo ra công nghệ mới, công nghệ mới tạo ra kinh tế mới và kinh tế mới tạo ra xã hội mới.
Ông Hùng cho rằng, công nghệ số, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức phát triển. "Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình. Hiện nay trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng mà đều thành công, chính vì vậy Việt Nam phải đi theo con đường riêng của mình, dựa trên trình độ, văn hoá, tố chất con người của chúng ta", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói đến máy móc hoá, trí thông minh nhân tạo, trí óc, trí tuệ… Những cái này là phi vật chất, vô hạn. Máy móc chỉ thay thế con người ở những việc lặp đi lặp lại, nhàm chán, nhưng Cách mạng 4.0 giúp chúng ta khám phá vô hạn của trí tuệ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trao thêm quyền năng cho con người chứ không phải thay thế con người. Nói đúng hơn là trao thêm quyền năng cho toàn dân, phát triển sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Hùng khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data). "Các cuộc cách mạng trước đây, ai nhiều tiền, nhiều công nghệ chất lượng cao đó hưởng lợi là chính, còn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ai có nhiều nhu cầu, có nhiều vấn đề đặt hàng giải quyết là người đó chiến thắng", Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là tạo ra một phiên bản số của thế giới thực, cả người, cả vật, đất, trời, biển và vũ trụ. Gọi là chuyển đổi thế giới thực vào thế giới số. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người tạo ra một mối liên hệ thực-ảo, và sống trong cả hai thế giới cùng lúc, hai thế giới này bổ trợ nhau.
Ông Hùng cho rằng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước đây chú trọng vào các doanh nghiệp sản xuất thì nay, với chuyển đổi số, công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ nhắm đến tất cả các doanh nghiệp, cả sản xuất công nghiệp, cả nông nghiệp và dịch vụ; cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, siêu nhỏ đến cả hộ kinh doanh, một cá nhân kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi một cuộc CMCN mới xuất hiện thì cũng xuất hiện những lợi thế mới. Lợi thế đó có thể đến từ chính những điểm yếu của một đất nước, một dân tộc.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, chuyển đổi số tạo ra kinh tế số, kinh tế số tạo hình thái mới cho kinh tế nông nghiệp, công nghiệp. Các công nghệ như internet vạn vật, điện toán đám mây, kết nối mạng dữ liệu sẽ thay đổ sâu sắc thói quen sản xuất, mô hình tổ chức, quản trị mô hình kinh doanh nếu chung ta áp dụng mạnh mẽ.
Kinh tế số tăng hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 3-4 lần so với GDP. Kinh tế số sinh ra tài nguyên là dữ liệu, vấn đề cần thiết là phải tập trung xử lý, khai thác và biến dữ liệu thành tài nguyên để quốc gia giàu có.
"Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo ra cơ hội cho một số quốc gia bứt phá vươn lên, hoá rồng, hoá hổ nhưng chỉ là số ít, đó là số ít, đó là những nước dũng cảm tiên phong đi đầu", ông Hùng nhấn mạnh.