Chiều 14/6 tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đã tác động sâu sắc tới Việt Nam và len lỏi tới mọi khía cạnh của cuộc sống.
"Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ai không bắt kịp sẽ bị tụt lại, thậm chí bị đào thải. Điều này diễn ra cả môi trường thực và môi trường số. Cách mạng 4.0 có quy mô, tốc độ phát triển chưa có tiền lệ, thay đổi lực lượng sản xuất, thâm dụng tri thức, đột phá đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta bắt kịp, đi cùng. Cách mạng 4.0 có phạm vi tác động bao trùm, hình thành quan hệ sản xuất mới, tạo sự chuyển dịch công nghệ, lao động, phát triển bền vững…", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, việc thích ứng với sự phát triển của cách mạng 4.0 là vấn đề lớn, cấp bách, lâu dài. Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành với tổ chức quốc tế để đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và tham gia vào Cách mạng 4.0, Việt Nam "đi sau" nhưng phải "cố gắng về trước". Ông cho rằng: Một khi đã đi sau mà không về trước thì sẽ lạc hậu mà lạc hậu thì khoảng cách giữa ta và các nước đi trước lại càng xa, việc đuổi kịp rất khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu phải "thần tốc, thần tốc hơn nữa trong vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, mặc dù đây là nhiệm vụ không hề đơn giản". Người đứng đầu Chính phủ nói: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông cho rằng: "Với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ".
Đồng thời, Thủ tướng cho biết: "Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển".
Thủ tướng cho rằng: Muốn đưa đất nước tiến lên, làm chủ trong chuyển đổi số phải bằng chính bàn tay, khối óc của người Việt, trên tinh thần, dựa vào trí tuệ, sức sáng tạo, văn hoá Việt Nam để đi lên. "Dựa vào con người sức ta là chính", Thủ tướng nói. Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh: "Không thể thiếu nguồn lực bên ngoài", nên cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bên về vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật và nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, sâu sắc để đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời cũng chỉ ra không ít thách thức trong lĩnh vực này.
"Bên cạnh những cơ hội đều đan xem những thách thức, bên cạnh sự phát triển vẫn có những mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn để phát triển thì lại phát sinh những mâu thuẫn mới, cứ như thế giống như vòng tuần hoàn, nếu xử lý được mâu thuẫn thì mới phát triển được", Thủ tướng cho hay.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cần lưu ý giai đoạn 2021-2030 cần tập trung chỉ đạo, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tạo ra bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bền vững.
Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp. Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghiệp hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, có tính chất liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hoá các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Theo Thủ tướng, Việt Nam thời gian qua đã chủ động phát triển hạ tầng, trong đó cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng điện để những hạ tầng này không có vùng lõm. Thủ tướng lưu ý, khi phát triển các hạ tầng này cần quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để không ai bị bỏ lại phía sau.
"Hiện nay, các dự án đường cao tốc theo trục Bắc - Nam phía Đông cơ bản đã và đang triển khai tốt. Sắp tới đây sẽ tiếp tục khởi công các dự án mang tính chất liên vùng như dự án đường Vành đai 3 TPHCM với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 80.000 tỉ đồng, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội cũng trên dưới 100.000 tỉ đồng, các dự án kết nối TPHCM với Mộc Bài (Tây Ninh)… Chúng tôi hi vọng, với tốc độ làm như từ đầu nhiệm kỳ này các dự án giao thông sẽ góp phần vào động lực tăng trưởng", Thủ tướng nêu.