Trí tuệ nhân tạo đã trở thành tâm điểm trong ngành công nghệ toàn cầu. Các công ty cạnh tranh khốc liệt để giành vai trò dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ — đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tổng quát.
Các quy định vừa được phê duyệt trên chính là quy định toàn diện đầu tiên cho AI. Khi vừa ra mắt, AI đã gây ấn tượng mạnh với khả năng sáng tạo, từ sản xuất lời bài hát đến tạo ảnh, vẽ tranh. Song, điều này cũng dẫn đến những lo lắng xoay quanh AI về những rủi ro liên quan đến việc làm, thông tin sai lệch và sự thiên vị.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư (14/6), Quốc hội EU đã thông qua Đạo luật AI với 499 phiếu thuận, 28 phiếu chống và 93 phiếu trắng. Tuy quy định này chưa trở thành luật, nhưng nó vẫn là một trong những quy tắc chính thức đầu tiên cho công nghệ AI trên toàn cầu.
Theo quy định, các công cụ AI tổng quát như ChatGPT sẽ được đưa vào các hạn chế lớn hơn. Các nhà phát triển AI sáng tạo sẽ được yêu cầu gửi hệ thống của họ để kiểm tra trước khi phát hành.
Nghị viện cũng quyết định giữ nguyên lệnh cấm đối với các hệ thống nhận dạng sinh trắc học thời gian thực, cũng như các hệ thống “chấm điểm xã hội” gây tranh cãi.
Các quy định này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà phát triển mô hình AI tổng quát, chẳng hạn như Microsoft, ChatGPT của OpenAI và Google Bard.
Ông Jens-Henrik Jeppesen, giám đốc cấp cao về chính sách công tại Workday, cho biết Đạo luật AI nhằm mục đích “xây dựng các biện pháp bảo vệ sự phát triển và sử dụng các công nghệ để đảm bảo một môi trường thân thiện, có ích cho xã hội từ những đổi mới công nghệ này".
Trước đó một ngày, Giám đốc điều hành của Github, ông Thomas Dohmke, đã kêu gọi các cơ quan quản lý châu Âu lắng nghe khu vực tư nhân khi họ thúc đẩy các quy tắc dành cho AI.
“Chúng tôi khuyến khích Liên minh Châu Âu và chính phủ Mỹ hành động thật nhanh và lắng nghe những người đã xây dựng công nghệ, không chỉ trong kinh doanh thương mại mà còn trong các trường đại học, các cộng đồng nguồn mở,” ông Dohmke chia sẻ.