Dân Việt

TP.Thủ Đức đề xuất đầu tư 5 vị trí trọng điểm kết nối với Bình Dương

Mỹ Quỳnh 15/06/2023 17:24 GMT+7
Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, TP.HCM đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Chiều 15/6, lãnh đạo TP.HCM và Bình Dương đã cùng khảo sát tại hai điểm gồm đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và nút giao Sóng Thần - Phạm Văn Đồng. Ngay sau đó, lãnh đạo hai tỉnh thành cùng các lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan đã họp bàn "nóng" về kết nối vùng.

ssf - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức và tỉnh Bình Dương khảo sát tại đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Gò Dưa - Độc Lập (TP.Dĩ An). Ảnh: Mỹ Quỳnh

Yêu cầu kết nối giao thông tạo trục phát triển kinh tế vùng

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, TP.Thủ Đức nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM, tiếp giáp khu vực trung tâm TP.HCM, giáp TP. Biên Hòa, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, TP. Dĩ An và TP.Thuận An của tỉnh Bình Dương.

Đây là khu vực rất thuận lợi để phát triển hệ thống mới hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là ngành logistics phân phối hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức, bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình đang thực hiện, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

TP.Thủ Đức đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm với Bình Dương - Ảnh 2.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về tổng thể, TP.Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Dù TP.Thủ Đức được đầu tư hệ thống giao thông để kết nối như tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (TP.Thủ Đức) đến Bến Thành (quận 1) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023, tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch), tuyến cao tốc TP.HCM Long Thành-Dầu Giấy, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai... nhưng hiện trạng về kết nối giao thông với các địa phương lân cận hiện nay vẫn chưa tương xứng.

Ông Tùng cũng cho rằng, với vị trí địa lý và tiềm năng phát triển hết sức thuận lợi của TP.Thủ Đức thì yêu cầu về kết nối giao thông, cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt với các địa phương lân cận để tạo thành trục phát triển kinh tế, xã hội cho vùng TP.HCM là hết sức quan trọng.

TP.Thủ Đức đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm với Bình Dương - Ảnh 3.

Một trong 5 vị trí trọng điểm được đề xuất đầu tư xây dựng để kết nối vùng. Ảnh chụp màn hình

Đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm

Tại cuộc họp, ông Hoàng Tùng cho biết, UBND TP.Thủ Đức và UBND TP.Dĩ An, TP.Thuận An đã tổ chức các cuộc họp để cùng phân tích, trao đổi về định hưởng phát triển kết nối giao thông giữa TP.Thủ Đức và TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Sau các cuộc họp, các bên đã thống nhất báo cáo, đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm.

Trong đó, vị trí đầu tiên là đường Đào Trinh Nhất (TP.Thủ Đức); đường An Bình (TP.Dĩ An); Đoạn đường ĐT.743B kết nối với đường Bình Chiểu và cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - TP.Thủ Đức và đường ĐT.743B - TP.Thuận An; đoạn đường dự phóng Nam KCN Linh Trung 2 - TP.Thủ Đức và đường Vĩnh Phú 32 - TP.Thuận An; Đoạn đường N3 - TP.Thủ Đức và đường Vĩnh Phú 41 - TP.Thuận An và đoạn đường ký hiệu N1 – TP.Thủ Đức và đường Bình Hòa 1 – TP. Thuận An.

TP.Thủ Đức đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm với Bình Dương - Ảnh 4.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trao đổi cùng ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại địa điểm khảo sát. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Tùng cho biết, sau khi tổ chức họp, phân tích, trao đổi về định hướng phát triển kết nối giao thông giữa TP.Thủ Đức và TP.Dĩ An, TP.Thuận An, các bên đã thống nhất thành lập Tổ công tác để tiếp tục rà soát việc kết nối giao thông trên địa bàn trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

UBND TP.Thủ Đức đề xuất, đối với vị trí đường Đào Trinh Nhất - TP.Thủ Đức; đường An Bình - TP. Dĩ An: Phía TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch đoạn đường Đào Trinh Nhất nêu trên theo lộ giới quy hoạch đường An Bình (TP. Dĩ An) từ 20m thành 34m để thuận lợi kết nối giữa 2 thành phố. Phần điều chỉnh mở rộng về phía Tây để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực dân cư ổn định. Đồng thời, kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất bố trí vốn đầu tư trung hạn năm 2021-2025. Phía TP. Dĩ An đầu tư xây dựng đường An Bình theo lộ giới quy hoạch 34m, L=1,09km.

Ở vị trí đoạn đường ĐT.743B kết nối với đường Bình Chiểu và cao tốc HCM -TDM - CT – TP.Thủ Đức và đường ĐT 743B – TP.Thuận An: Phía TP.HCM giữ nguyên lộ giới theo quy hoạch 60m; kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất bố trí vốn đầu tư trung hạn năm 2025-2030 để tăng tính kết nối giữa TP.Thủ Đức và tinh Bình Dương. Phía TP.Thuận An giữ nguyên quy hoạch đường đường ĐT.743, 60m.

ssf - Ảnh 2.

TP.Thủ Đức đề xuất đầu tư 5 vị trí kết nối trọng điểm với Bình Dương. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ở vị trí đoạn đường dự phóng Nam KCX Linh Trung 2 – TP. Thủ Đức và đường Vĩnh Phủ 32 – TP. Thuận An: TP.HCM điều chỉnh quy hoạch đoạn đường dự phóng nêu trên theo lộ giới quy hoạch đường Vĩnh Phú 32 (TP.Thuận An), từ 40m xuống còn 23m để tăng tính khá thì thực hiện quy hoạch và kết nối đồng bộ giữa 2 thành phố; kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất bố trí vốn đầu tư trung hạn năm 2021-2025 và sớm bố trí vốn để thực hiện. Phía TP.Thuận An giữ nguyên quy hoạch đường Vĩnh Phú 32 (23m).

Ở vị trí đoạn đường N3 – TP.Thủ Đức và đường Vĩnh Phú 41 – TP.Thuận An: Phía TP.HCM kiến nghị UBND dân TP.HCM thống nhất bố trí vốn đầu tư trung hạn năm 2021-2025 theo lộ giới quy hoạch là 24m. Thành phố Thuận An giữ nguyên quy hoạch đường Vĩnh Phú 41 (24m).

Cuối cùng, ở vị trí đoạn đường ký hiệu N1 TP.Thủ Đức và đường Bình Hòa 1 – thành phố Thuận An: Phía TP.HCM đảm bảo kết nối đồng bộ giữa 2 thành phố, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đoạn đường nêu trên theo lộ giới quy hoạch đường Bình Hòa 1, TP.Thuận An là từ 16m thành 26m; kiến nghị UBND dân TP.HCM thống nhất bố trí vốn đầu tư trung hạn năm 2021-2025 theo lộ giới quy hoạch là 24m. Phía TP.Thuận An sẽ giữ nguyên quy hoạch đường Vĩnh Phú 41 (24m).