Dân Việt

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học

Thái An 17/06/2023 07:17 GMT+7
Trong thời điểm chọn trường, nhiều học sinh bối rối vì TikTok xuất hiện hàng loạt bài đăng review trường đại học theo hướng tiêu cực hoặc “bóc trần góc khuất” của trường.


Trong thời điểm chọn trường, nhiều học sinh bối rối vì TikTok xuất hiện hàng loạt bài đăng review trường đại học theo hướng tiêu cực hoặc “bóc trần góc khuất” của trường.

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học - Ảnh 1.

TikTok ngập tràn nội dung độc hại, ảnh hưởng việc chọn ngành, chọn trường của học sinh. Ảnh minh họa: Minh Sơn.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, ngay sát thềm thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok của Thảo Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) bắt đầu xuất hiện hàng loạt bài đăng, video “review” trường đại học.

Bên cạnh những bài đăng nhận xét trường theo hướng đánh giá khách quan, đa chiều, Thảo Anh xem được không ít nội dung tiêu cực, phiến diện, khiến em lo lắng vì không biết những thông tin đó có thực sự đúng hay không.

“Em dự định đăng ký nguyện vọng vào hai trường về kinh tế tại Hà Nội, hai trường này em đều thấy video ‘bóc phốt’ trên TikTok, thậm chí có video so sánh hai trường với nhau. Những nội dung như vậy ảnh hưởng đến em rất nhiều, bản thân em không dám tin nên phải đi hỏi thêm nhiều người khác cho chắc chắn”, nữ sinh tâm sự.

Hàng trăm nghìn lượt xem TikToker “bóc trần” trường đại học

Khi tìm từ khóa “review trường đại học”, “phốt trường đại học” hoặc “mặt tối các trường đại học”, người dùng sẽ được gợi ý hàng loạt video có nội dung liên quan. Lượt tương tác của những nội dung này có thể từ hàng nghìn cho đến hàng trăm nghìn lượt xem, thích và bình luận.

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học - Ảnh 2.

Những nội dung chê, bóc trần trường đại học thu hút hàng chục cho đến hàng trăm nghìn lượt xem.

Thảo Anh nói với Tri thức trực tuyến rằng nội dung em thấy xuất hiện nhiều nhất trong thời gian gần đây đến từ tài khoản @dodaihoc_29306. Từ ngày 17/5 đến nay, TikToker này làm 13 video với nội dung “mặt tối của các trường đại học”. Những cái tên xuất hiện trong loạt video này đều là các trường đại học quen thuộc với học sinh, sinh viên như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

Lấy ví dụ video về Đại học Bách khoa Hà Nội, TikToker này cho rằng mặt tối của trường là “giỏi làm kinh tế”, ngành tốt thì điểm chuẩn luôn cao, ngành "ăn theo" danh tiếng thì "năm cao năm thấp (năm cao hơi ít)". Ngoài ra, người này còn cho rằng nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu.

Hay như video về Đại học Thương mại, TikToker này liệt kê hàng loạt "mặt tối" của trường như chất lượng không tương xứng với điểm chuẩn và độ hot, bị thổi phồng do các chiến dịch truyền thông, những yếu tố được khoe thường là môi trường, cơ sở vật chất chứ không phải chất lượng giảng dạy.

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học - Ảnh 3.

Nhiều người phản ứng với nội dung do TikToker đăng tải.

Trong phần bình luận của các video trăm nghìn lượt xem, nhiều học sinh bày tỏ sự hoang mang vì sắp đăng ký nguyện vọng vào trường. Bên cạnh đó, không ít sinh viên của các trường vào bình luận phản pháo, cho rằng TikToker này chỉ đang “vẽ phốt”. Theo các sinh viên, thực tế chất lượng đào tạo của các trường rất tốt, sinh viên vẫn hài lòng.

Khác với kiểu nội dung bóc trần mặt tối của trường đại học, tài khoản TikTok @bstiendungtiktok3 lại nêu thẳng những tấm bằng đại học người này cho là vô dụng nhất Việt Nam. Hai trường bị TikToker nêu trong video là Đại học Mở TP.HCM và Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Ở phần bình luận, nhiều người tỏ ra bức xúc với danh sách TikToker này đưa ra. Một người cho rằng cơ hội tìm việc lương cao chủ yếu nhờ năng lực và sự cố gắng của bản thân, không phụ thuộc hoàn toàn vào tấm bằng đại học. “Bằng đại học hữu ích hay không còn phụ thuộc vào người sở hữu nó”, một người bình luận.

TikToker làm nội dung phiến diện, thiếu hiểu biết

Bàn về những video chê, bóc phốt trường đại học trên TikTok, Phương Uyên, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hà Nội, cho biết cô cũng từng xem được loạt nội dung này trên nền tảng video ngắn. Trường của Uyên cũng bị gọi tên trong các video bóc trần mặt tối do TikToker đăng tải.

Là một sinh viên gắn bó với trường 3 năm, cá nhân Uyên không quá khó chịu khi xem các video này vì cô cho rằng TikToker làm nội dung như vậy thường có cái nhìn phiến diện, thiếu hiểu biết nên không đáng để tâm.

Nhất là với những video chê trường hoặc so sánh các trường, Uyên nhận định các TikToker nghe một nhưng phóng đại gấp 10 để cố tình khiến học sinh hoang mang và châm ngòi để sinh viên các trường tranh cãi với nhau.

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học - Ảnh 4.

TikTok gợi ý cho người dùng hàng loạt gợi ý liên quan khi tìm từ khóa "trường đại học không nên học".

“Mình xem video chê trường mình và những trường khác. Mình thấy TikToker đưa ra những lý do chê rất ‘nông’, giống như bạn ấy chỉ lên mạng nghe ngóng, cóp nhặt từng chút rồi làm nội dung video. Những nội dung như vậy không giúp ích được gì mà chỉ khiến học sinh hoang mang, sinh viên mệt mỏi”, Uyên nói.

Đồng quan điểm với Phương Uyên, cô Trần Minh, giảng viên tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng lo ngại những video như vậy sẽ khiến học sinh hoang mang và có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn trường, chọn nguyện vọng của các em.

Theo cô Minh, việc các TikToker đăng video chê trường đại học nhưng không lý giải rõ vấn đề của trường là gì sẽ gây hoang mang nhiều hơn là đồng tình. Ngoài ra, nó cũng không mang lại giá trị khách quan để học sinh tham khảo. Đôi khi, các video bóc phốt hay chê trường đại học cũng chỉ xuất phát từ trải nghiệm cá nhân nên không mang tính đại diện, bao quát cho cả một tập thể.

Trong thời điểm quan trọng như chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, cô Minh khuyên học sinh không nên quá tin vào nội dung như vậy trên mạng xã hội.

Thay vì nghe theo lời đánh giá từ những tài khoản ẩn danh, không rõ danh tính, học sinh có thể tìm đến các kênh tuyển sinh chính thống của nhà trường, tham gia các hội nhóm dành cho học sinh hoặc chủ động làm quen với sinh viên trường để nhận được những thông tin khách quan, thực tế hơn.

Về phía trường đại học, cô Minh cho rằng các trường cũng cần mạnh tay hơn trong công tác truyền thông để tránh bị những nội dung độc hại gây ảnh hưởng công tác tuyển sinh. Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, hiệu ứng truyền miệng vẫn có giá trị ảnh hưởng, các trường có thể xây dựng loạt nội dung phù hợp để giới thiệu trường và ngành học đến học sinh.

Trong trường hợp học sinh thắc mắc về những tin đồn nghe được trên mạng, các trường cũng có thể giúp các em giải đáp, tránh im lặng hoặc trả lời vòng vo khiến học sinh thêm hoang mang, lo lắng, từ đó dẫn đến việc không dám đăng ký vào trường.