Nhật Bản có vị trí địa lý nằm nằm tách biệt với đất liền, trong lịch sử hàng ngàn năm ít khi bị nước ngoài nhòm ngó. Mãi đến thế kỷ 16, Nhật Bản mới bắt đầu các cuộc chinh phạt nước láng giềng để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Loạt bài này đề cập đến những trận đánh tiêu biểu nhất làm thay đổi lịch sử nước Nhật.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước, Nhật Bản đặt ra mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi Đông Á.
Ở Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được biết đến với tư cách là "Người thống nhất vĩ đại" thứ hai (người đầu tiên là lãnh chúa Oda Nobunaga).
Trước chiến dịch chinh phạt bán đảo Triều Tiên, Hideyoshi đã mất khoảng 10 năm chinh chiến không ngừng nghỉ để thống nhất Nhật Bản. Ông đạt được thành tựu này vào năm 1591.
Nhiệm vụ thống nhất hoàn thành, Hideyoshi năm đó 54 tuổi, đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn.
Năm 1577, khi còn là vị tướng dưới quyền lãnh chúa Oda Nobunaga, Hideyoshi đã mơ về một ngày Nhật Bản có thể chinh phạt Trung Hoa.
Trở thành Thái Chính Đại Thần, Hideyoshi nắm toàn bộ quyền lực ở Nhật Bản, trong khi Nhật Hoàng không có bất cứ vai trò nào.
Điều đầu tiên mà Hideyoshi làm là gửi phái đoàn tới Vương triều Triều Tiên dưới thời vua Sonjo nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp trong nhiều năm vì hải tặc Nhật Bản thường xuyên cướp bóc tàu thuyền, cảng biển Triều Tiên.
Bên cạnh việc khôi phục quan hệ, Hideyoshi muốn Triều Tiên mở đường để quân Nhật tấn công nhà Minh. Triều Tiên đã khước từ đề nghị này vì khi đó nước này là chư hầu của Trung Hoa.
Vua Sonjo sau đó đã gửi phái đoàn tới Nhật Bản, tìm hiểu về những toan tính của Hideyoshi. Phái đoàn trở về với những thông tin trái ngược. Nhưng vua Sonjo nghe theo lời khuyên của các đại thần, rằng Nhật Bản sẽ không tấn công Triều Tiên. Do đó, Triều Tiên đã không có bất cứ sự phòng bị nào.
Trong giai đoạn này, Hideyoshi đã tập hợp 225.000 quân, ấn định thời điểm vượt biển tấn công Triều Tiên là vào mùa xuân năm 1592. Lực lượng chủ chốt của đội quân là các samurai tinh nhuệ, những người đã có kinh nghiệm chiến đấu trong suốt nhiều năm nội chiến.
Phần còn lại là lính động viên, chủ yếu được huy động từ khắp các địa phương ở Nhật. Đội quân được vũ trang đầy đủ với pháo, súng hỏa mai, kiếm dài và do các tư lệnh có năng lực chỉ huy, chủ yếu là các lãnh chúa địa phương cam kết trung thành với Hideyoshi.
Hideyoshi đã ra lệnh xây dựng căn cứ hải quân quy mô ở khu vực vùng ven biển phía tây bắc đảo Kyushu, nơi Nhật Bản gần Triều Tiên nhất.
Hideyoshi huy động 9.000 thủy thủ làm nhiệm vụ chở binh sĩ vượt eo biển Tsuchima để đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên. Mệnh lệnh phát động chiến dịch quân sự được đưa ra vào cuối tháng 4/1592. Mở đầu cuộc tiến công là 700 tàu chở hàng chục ngàn binh sĩ Nhật đổ bộ ở Pusan. Bị bất ngờ và bị áp đảo bởi đối phương có vũ khí uy lực, quân Triều Tiên ở Pusan hạ vũ khí đầu hàng sau vài giờ.
Từ Pusan, Hideyoshi chia quân làm 3 cánh, tiến về phía bắc với mục tiêu là thành Seoul. Trong 2/3 quãng đường hành quân, quân Nhật hầu như không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào.
Chỉ khi tới thành Chungju (nay nằm ở tỉnh Chungcheongbuk-do, miền trung Hàn Quốc), quân Nhật mới gặp quân chính quy Triều Tiên do tướng kì cựu Sin Rip chỉ huy. Tướng Sin khi đó chưa từng đối đầu với một đội quân sở hữu súng. Quân Nhật biết điều này nên đã tận dụng hỏa lực tầm xa để áp đảo quân phòng thủ Triều Tiên. Tướng Sin chiến đấu kiên cường nhưng cuối cùng thiệt mạng.
Nghe tin Chungju thất thủ, vua Sonjo liền sơ tán khỏi kinh đô Seoul, di chuyển về phía tây bắc tới gần sông Áp Lục. Ở Seoul, kinh đô Vương triều Triều Tiên sụp đổ chỉ sau 3 tuần Hideyoshi phát động chiến dịch quân sự.
Nhưng Triều Tiên khi đó chưa sớm đầu hàng. Đô đốc Yi Sun-sin là một trong những danh tướng nổi tiếng nhất của Triều Tiên thời kỳ này. Ông xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, sở hữu một trong những con tàu bọc sắt đầu tiên, vượt trội hơn bất cứ tàu gỗ nào hải quân Nhật khi đó sở hữu.
Trong năm đầu tiên, Đô đốc Yi đã 10 lần tham gia các cuộc hải chiến đánh bại quân Nhật. Trong trận Okpo diễn ra vào tháng 6/1592, hạm đội Triều Tiên đã đánh chìm 31 trong 50 tàu chiến của hạm đội Nhật. 5 trận hải chiến sau đó, Nhật tổn thất 83 tàu còn Triều Tiên tổn thất không đáng kể. Trong hầu hết các trận hải chiến, hạm đội của Đô đốc Yi thua kém đối phương về số lượng, nhưng chất lượng vượt trội hơn hẳn.
Với sự lãnh đạo của Đô đốc Yi, Triều Tiên đã lật ngược thế cờ khi cắt đứt gần như hoàn toàn tuyến đường tiếp vận qua biển của quân Nhật.
Ở đất liền, Triều Tiên thực hiện chiến tranh du kích, khiến quân Nhật đối mặt tổn thất lớn về nhân lực. Mặt khác, khi quân Nhật tiến sát tới vùng biên giới giáp Triều Tiên với Trung Hoa, hoàng đế nhà Minh là Minh Thần Tông Chu Dực Quân đã quyết định can thiệp.
Tháng 2/1593, 50.000 quân Minh tấn công quân Nhật ở Bình Nhưỡng, đẩy lùi quân Nhật về thành Seoul trước khi xung đột rơi vào thế giằng co. Khi đó, quân Minh kiểm soát phía bắc bán đảo Triều Tiên còn quân Nhật kiểm soát phía nam, từ Seoul cho tới Pusan.
Nhật Bản và Trung Hoa sau đó đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Sau khi hoàng đế Minh Thần Tông dọa sẽ huy động 400.000 quân, Hideyoshi đã đồng ý rút quân khỏi Seoul để thể hiện thành ý. Quân Nhật chỉ còn hiện diện ở vùng ven biển xung quanh Pusan.
Hideyoshi cho rằng, Nhật Bản đã thắng lợi trong chiến dịch chinh phạt bán đảo Triều Tiên nên gửi tới hoàng đế nhà Minh một loạt các yêu sách. Các điều kiện gồm 4 tỉnh phía nam của Triều Tiên được nhượng lại cho Nhật Bản, con gái của hoàng đế nhà Minh sẽ kết hôn với hoàng đế Nhật Bản, một hoàng tử Triều Tiên được gửi tới Nhật làm con tin.
Ở Bắc Kinh, các đại thần nhà Minh âm thầm che giấu lá thư, ngụy tạo bằng bức thư giả mạo, viết rằng Hideyoshi xin cầu hòa, muốn Nhật Bản trở thành chư hầu của Trung Hoa.
Điều này khiến hoàng đế Minh Thần Tông hiểu sai Hideyoshi. Năm 1596, phái đoàn Trung Hoa quay trở lại Nhật, đồng ý để Nhật Bản trở thành chư hầu mà không nhắc tới các yêu cầu do Hideyoshi đưa ra trước đó. Nghe tin này, Hideyoshi đã hết sức tức giận, lên kế hoạch chinh phạt Triều Tiên lần hai.
Nhật Bản mở chiến dịch chinh phạt lần hai vào ngày 27/8/1597. Lần này, Hideyoshi huy động 100.000 quân, 1.000 tàu chiến để hỗ trợ 50.000 quân Nhật vẫn hiện diện ở Pusan.
Đây là giai đoạn hải quân Nhật chiếm ưu thế trở lại do Đô đốc Yi bên phía Triều Tiên đã bị bắt giam trước đó. Nhưng quân Nhật không chống chọi được lực lượng đông đảo của quân nhà Minh ở bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn không tiến được tới Seoul và phải rút về Pusan. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Đô đốc Yi được phục chức, giúp hải quân Triều Tiên gia tăng ý chí chiến đấu.
Ở Nhật Bản, Hideyoshi đột ngột qua đời vào ngày 18/9/1598. Giới chức Nhật Bản khi đó tính tới việc chấm dứt cuộc chiến ở Triều Tiên. Sau 3 tháng cố gắng giữ Pusan, quân Nhật cuối cùng đã rút hoàn toàn khỏi bán đảo.
Trong trận hải chiến Noryang diễn ra vào ngày 16/12/1598, trận chiến lớn cuối cùng giữa Nhật Bản và Triều Tiên, hơn 200 tàu chiến Nhật bị đánh chìm. Nhưng phía Triều Tiên cũng hứng chịu tổn thất không thể thay thế khi Đô đốc Yi bị trúng đạn và tử vong ngay trên soái hạm.
Có thể nói, trong 7 năm chinh phạt Triều Tiên dưới thời Hideyoshi, quân Nhật vừa gặp khó trên biển trước hải quân Triều Tiên, vừa gặp khó trên đất liền trước đội quân nhà Minh đông đảo.
Nỗ lực đầu tiên nhằm chinh phạt Trung Hoa của Nhật Bản đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thành tựu nào, trong khi tổn thất của Nhật Bản vào khoảng 100.000 quân, theo tài liệu nghiên cứu của trang Hawaii.edu.
Thất bại trong chiến dịch cũng như việc Hideyoshi đột ngột qua đời tạo ra khoảng trống quyền lực ở Nhật Bản. Con trai của Hideyoshi, Toyotomi Hideyori khi đó chỉ mới 5 tuổi.
Năm 1615, gia tộc Tokugawa đánh bại gia tộc Toyotomi trong trận Osaka, khiến Hideyori bỏ mạng. Quyền lực ở Nhật được thâu tóm về tay nhà Tokugawa, mở ra giai đoạn hơn 250 năm Nhật Bản đóng cửa không giao thương với nước ngoài.
Nhà Tokugawa tổ chức xã hội Nhật Bản theo hệ thống phân chia giai cấp nghiêm ngặt và cấm hầu hết người nước ngoài hiện diện ở Nhật theo chính sách biệt lập để thúc đẩy ổn định chính trị. Chỉ một số ít tàu thuyền đến từ Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Hà Lan được phép giao thương.
Văn hóa Nhật Bản thời kỳ này ít ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài, góp phần xây dựng nền hòa bình trong 250 năm. Hoạt động nông nghiệp và giao thương trong nội bộ nước Nhật phát triển. Nhưng về công nghệ và quân sự, Nhật Bản không bắt kịp với các quốc gia phương Tây có mức độ công nghiệp hóa cao hơn, dẫn tới sự việc tất yếu là bị người phương Tây đem chèn ép vào thế kỷ 19.