Dân Việt

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt?

Đức Nguyên 18/06/2023 13:29 GMT+7
Chiếc lồng bàn được làm thủ công từ mây tre, sợi nan nhỏ như chỉ, nặng chưa đến 300 gram được vợ chồng ông Khá bán với giá 30 triệu đồng/chiếc.

Sợi nan nhỏ như "sợi tơ"

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) xưa là Phú Hoa Trang vốn nổi danh về nghề mây tre đan với nhiều mẫu mã bát mắt. Làng nổi tiếng với kỹ năng xử lý mây tre đặc biệt, vót bằng tay nuột nà và đều tăm tắp.

Có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng từ mây tre tại làng Phú Vinh đã ra đời, trong đó đặc biệt là chiếc lồng bàn “màn tuyn” được sáng tạo từ sợi mây dài nhỏ như sợi chỉ. Chiếc lồng bàn “màn tuyn” đặc biệt được vợ chồng ông Trần Bá Khá (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tiến (72 tuổi) làm ra.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” được làm thủ công bằng tay như được kết từ những sợi tơ.

Sinh ra trong ngôi làng có truyền thống nhiều đời gắn bó với nghề mây tre đan, từ khi 6 tuổi, bà Tiến đã học, được tiếp xúc với nghề. Lấy ông Khá, cả hai quyết định gắn bó với nghề truyền thống, trải qua việc làm rất nhiều các sản phẩm thủ công nhưng không ổn định.

Năm 2003, bà Tiến chia sẻ với ông Khá về ý tưởng làm chiếc lồng bàn đặc biệt, ngay lập tức được chồng hưởng ứng nhiệt tình. Từ những ý tưởng ban đầu, sau đó, cả hai vợ chồng đã bắt tay vào làm, trải qua nhiều công đoạn từ việc mua mây, cạo vỏ, chẻ nan,... rồi đến việc tìm ra cách để làm nên một chiếc lồng bàn đúng theo ý muốn.

Ông Khá tâm sự: “Thời mới bắt tay vào làm, bà nhà cứ bắt, yêu cầu chuốt sao cho nhỏ, mỏng hơn nữa, đến bây giờ quen tay thì so với sợi chỉ bộ đội chắc chỉ lớn hơn một chút. Việc làm ra chiếc lồng bàn cũng không khó khăn lắm vì bà nhà theo nghề từ bé, quá quen với việc làm các sản phẩm từ mây tre đan. Quan trọng nhất là làm sao để cho chiếc lồng bàn đẹp nhất, sợi nan nhỏ nhất”. 

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Chiếc lồng bàn đặc biệt được bà Tiến nghĩ ra và cùng chồng thực hiện hóa.

Nói về lý do chọn chiếc lồng bàn chứ không phải sản phẩm thủ công khác, bà Tiến cho biết, lồng bàn đặc biệt nhất vì nó gắn bó thân thuộc với các gia đình người dân Bắc Bộ, nhà ai cũng phải có một chiếc và nếu là lồng bàn thì sẽ giữ được rất lâu. Sau này, bà Tiến bất ngờ, những người mua sản phẩm của vợ chồng bà, hầu hết là người nước ngoài.

Những chiếc lồng bàn đầu tiên của vợ chồng ông Khá được kết hợp bởi 300 sợi nan dọc (công), càng về sau, càng được cải tiến lên tới con số 1.200 công. Sợi nan của vợ chồng ông Khá vót nhỏ như sợi tơ khiến nhiều người bất ngờ. Đến cả những nghệ nhân khác cùng làng cũng phải thán phục vì không nghĩ có thể tạo ra được sản phẩm độc đáo từ mây tre đan như thế. 

Ngày càng nhiều người biết về chiếc lồng bàn đặc biệt của hai vợ chồng, mọi người nói vu vơ, những sợi nan đan nhau như chiếc màn tuyn (loại màn ngủ có công dụng chống muỗi). Lâu dần, mọi người gọi nhau là chiếc lồng bàn “màn tuyn”.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” khiến nhiều người nể phục về tay nghề của vợ chồng ông Khá.

“Nhiều nghệ nhân trong làng đến cũng khâm phục về sự tỉ mỉ, khó làm của chiếc lồng bàn. Sự tinh xảo khiến cho nhiều người nể phục và yêu mến. Từ khi ra đời đến giờ, chiếc lồng bàn vẫn thế, chất lượng sản phẩm ra đời từ tâm huyết, chiếc nào cũng đảm bảo tốt nhất khi đến tay người mua”, ông Khá trải lòng.

 30 triệu đồng một chiếc nhưng vẫn "cháy hàng"

Năm 2010, chiếc lồng bàn của ông bà được mang đi triển lãm tại Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT). Sản phẩm được chú ý đến mức một vị khách Nhật nhất quyết đòi được gặp người làm ra. 

Sau đó, từ năm 2012 - 2014, vợ chồng ông Khá được mời lưu diễn, giao lưu ở nước ngoài. Tay nghề giỏi, nhanh của vợ chồng ông Khá khiến cho người xem kinh ngạc đến chiêm ngưỡng. 

Đến năm 2020, khi lồng bàn của vợ chồng ông Khá đạt giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức. Khi đó, một người đã hỏi mua với giá 22 triệu đồng, giờ mỗi chiếc như thế ông bà bán với giá hơn 30 triệu đồng.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Ông Khá ngồi vót nan để đan lồng bàn thủ công.

Bà Tiến chia sẻ: “Mỗi chiếc làm tổng thời gian hết 15-20 ngày, nếu tập trung, một tháng sẽ làm được 2 chiếc. Khách đặt trước rất nhiều, hầu hết là người nước ngoài, hàng ra là hết ngay, không đủ bán. Thời mới làm ra chiếc lồng bàn này, tôi và chồng chỉ muốn làm sao cho thật đẹp, không ngờ mọi người lại ủng hộ đến thế”.

Mặc dù rất nhiều người đặt mua, hầu hết ở các nước khác, thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ông Khá và bà Tiến đều đã có tuổi nên việc ưu tiên nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Từ đầu năm đến giờ, vợ chồng ông Khá mới chỉ làm hai chiếc lồng bàn “màn tuyn” để bán cho vị khách Thái Lan và một người hàng xóm cùng làng. “Làm nghề mấy chục năm, giờ đây, tôi có thể vừa xem tivi, vừa nhắm mắt cũng đan được”, bà Tiến hài hước chia sẻ.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” của vợ chồng ông Khá luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Chiếc lồng bàn “màn tuyn” giá hơn 30 triệu đồng có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Gần đây nhất, chiếc lồng bàn này đã giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Nhờ công việc mây tre đan, vợ chồng ông Khá đủ tiền nuôi 5 con ăn học, lo được cho bản thân, dựng vợ gả chồng. Chia sẻ về chuyện nghề truyền thống: “Tiếc là con cháu không ai theo nghề này cả, mỗi đứa đều có dự định, giấc mơ riêng. Cả hai vợ chồng đều tôn trọng các con, muốn chúng làm theo ý mình thích để có thể thoải mái nhất”.

Ông Khá cũng cho biết thêm, nhiều người trong làng cũng đến học làm chiếc lồng bàn này nhưng không thể làm được vì quá khó, kỳ công. Còn sức khoẻ thì còn làm nghề, lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề, "không biết sau này khi chúng tôi già hẳn đi, làng nghề mây tre đan truyền thống liệu còn tồn tại và phát triển được không?", ông Khá nói.