Năm 1130, đại quân Kim tiến xuống phía nam, vượt sông Trường Giang đánh Tống. Nam Tống đứng trước nguy cơ diệt vong. Tuy nhiên quân Kim bị chặn lại bởi nhà Tống vẫn còn một vị tướng tài giỏi, đó là Nhạc Phi.
Nhạc Phi trong tay chỉ có 4 vạn quân nhưng đã đánh tan đại quân Kim ở khắp các trận chiến lớn nhỏ, chẳng mấy chốc thu lại một nửa Giang Nam cho Nam Tống.
Năm 1136, Nhạc Phi dẫn quân đánh bại quân Kim thu hồi lại các vùng đất của Nam Tống. Ông xây dựng đội quân Nhạc Gia kỷ luật có lúc lên đến 20 vạn người, quy tụ hầu hết các anh hùng lúc đó, trở thành đội quân chủ lực đánh Kim.
Không chỉ trung với Vua, Nhạc Phi còn thể hiện lòng trung nghĩa với cả bách tính. Ông kỷ luật quân đội rất nghiêm, chủ trương răn dạy quân sĩ: “Đống tử bất sách ốc, ngạ tử bất đả lỗ” nghĩa là “Chết rét không cướp nhà, chết đói không cướp lương thực”. Nhạc Phi nhiều lần cho con trai là Nhạc Vân lấy lương thực trong quân cứu dân khiến sinh linh nước Tống đội ơn sâu.
Quân Nhạc Gia đánh thắng đến đâu, dân chúng đều mang đồ ăn đến cùng quân Nhạc Gia mừng chiến thắng. Mỗi khi công phá được một thành trì, dân chúng đứng hai bên đường hoan nghênh, nhiều người còn quỳ lạy cảm tạ mãi không dậy.
Để cứu vãn tình thế, quân Kim viết thư cho Tần Cối nói rằng: “Triều đình nhà ngươi xin cầu hòa với triều đình Đại Kim ta, nhưng Nhạc Phi cứ muốn đoạt Trung Nguyên khỏi tay chúng ta. Ngươi nhất định phải tìm cách giết Nhạc Phi, chúng ta mới đồng ý nghị hòa”.
Tần Cối cũng sợ nếu Nhạc Phi tiến ra bắc, âm mưu hàng quân Kim của mình bị bại lộ, nên nói với vua Tống Cao Tông rằng nếu Nhạc Phi tiến ra bắc, quân Kim thua trận phải nghị hòa trao trả lại vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, thì Đế vị của Tống Cao Tông sẽ mất. Vua Tống Cao Tông nghe lời Tần Cối, trong một ngày liên tiếp ra 12 đạo kim bài buộc Nhạc Phi lui quân.
Chưa dừng lại ở đó, Tần Cối cho một số gian thần vu cáo Nhạc Phi làm phản, trong đó nổi bật có Trương Tuấn, Vạn Sỹ Tiết và Vương Tuấn. Cuối cùng Tần Cối nghe mưu của vợ, giết chết Nhạc Phi.
Cái chết của Nhạc Phi có rất nhiều phiên bản khác nhau. Có phiên bản kể rằng ông buộc phải uống rượu độc, có phiên bản lại nói dù bị tra tấn rất dã man, Nhạc Phi vẫn quyết không nhận tội, và cũng quyết không vượt ngục để thể hiện lòng trung. Nhạc Phi, Nhạc Vân và Trương Hiến đã chết trong sự khóc thương của muôn dân trăm họ.
Nhạc Phi có thể nói đã trở thành một nhân vật lịch sử nhận được nhiều cảm tình của hậu thế nhất. Và cũng chính vì những gì mà vợ chồng Tần Cối, Trương Tuấn, Vạn Sỹ Tiết đã làm mà họ bị đúc thành tượng để trần ngực, tay bị trói ra sau, quỳ gối trong hàng rào sắt ngàn năm bất động trước miếu Nhạc Phi ở Chiết Giang. Thậm chí những bức tượng của họ đã được đúc đi đúc lại tới 13 lần vì bị thế nhân nguyền rủa.
Nguồn gốc mấy bức tượng này bắt đầu từ năm thứ 11 niên hiệu Thành Hóa dưới thời Minh Hiến Tông (năm 1475), Bố chánh sứ Chiết Giang là Chu Mục vì muốn thể hiện lòng kính ngưỡng với Nhạc Phi đã trùng tu mộ Nhạc Phi, cũng lần đầu dùng sắt đúc nên bức tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối. Về sau, bởi vì thời gian lâu, lại gặp mưa dập gió vùi nên hai bức tượng quỳ này trở thành hai đống sắt vụn.
Lần thứ hai là vào năm thứ 8 niên hiệu Chính Đức thời Minh Vũ Tông (năm 1513), Tướng quân Lý Long, Đô chỉ huy sứ Chiết Giang, vì kính ngưỡng Nhạc Phi mà đã dùng đồng đúc ba bức tượng hai tay bị trói ra đằng sau của vợ chồng Tần Cối và Vạn Sỹ Tiết ở trước mộ Nhạc Phi. Về sau, mấy bức tượng này bị người đời đánh đập mà hư hại.
Lần thứ ba là vào năm thứ 22 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1594), Phạm Lai, nhà văn nổi tiếng và là danh sĩ vùng Hưu Ninh, An Huy, khi nhậm chức phó sứ án sát vùng Chiết Giang đã dùng đồng đúc lại tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối và Vạn Sĩ Tiết. Lần này lại đặc biệt đúc thêm một bức tượng quỳ của Trương Tuấn. Nhưng vào năm sau, Hữu phó đô Ngự sử của tuần phủ Chiết Giang là Vương Nhữ Huấn, vốn là người cùng gia tộc với vợ Tần Cối, vì xấu hổ nên đã sai khiến thuộc hạ lén lút đem tượng quỳ bỏ xuống Tây Hồ.
Lần thứ tư chính là ngay sau khi Vương Nhữ Huấn bỏ tượng đi, thương gia bán muối tên Mã Vĩ để thuận theo lòng dân đã đúc lại tượng đặt ở chỗ cũ. Khi ấy, lửa giận trong lòng dân mới được dập. Nhưng mấy năm sau, bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối lại bị mọi người đánh hỏng.
Lần thứ năm là vào năm thứ 30 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1602), Phạm Lai, người từng nhận chức Phó sứ án sát vùng Chiết Giang, lại đến Hàng Châu một lần nữa, nhậm chức Bố chánh sứ Chiết Giang. Nhìn thấy tượng quỳ của bọn người Tần Cối chẳng còn ra hình thù gì nữa, mất đi ý nghĩa, ông bèn lấy bổng lộc của mình đúc ra bốn bức tượng quỳ bằng sắt.
Lần thứ sáu là năm thứ 34 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1606), Tôn Long, người chủ hàng dệt Tô Hàng, đã dùng đồng đúc lại bốn bức tượng vợ chồng Tần Cối, Vạn Sĩ Tiết, Trương Tuấn. Mỗi bức tượng đều khắc họ tên ở ngực và dùng hàng rào gỗ vây quanh. Nhưng chẳng bao lâu sau, mấy bức tượng quỳ này lại bị mọi người đánh hỏng.
Lần thứ bảy là vào năm đầu thời Thanh Thế Tông Ung Chính, người dân ở dưới chân núi Khê Hà, Hàng Châu đã tụ họp thành từng nhóm mà đến, dùng thanh sắt gậy gỗ đánh mạnh vào bức tượng quỳ của vợ Tần Cối, khiến cho phần cổ bị gãy. Năm thứ 9 niên hiệu Ung Chính (năm 1731), tuần phủ Chiết Giang Lý Vệ dâng tấu lên triều đình, được hoàng đế Ung Chính phê chuẩn, dùng binh khí tịch thu được đúc nên bốn bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối.
Lần thứ tám là vào năm Thanh Cao Tông Càn Long, tượng quỳ của bọn người Tần Cối bị nhiều năm mưa gió ăn mòn và du khách đánh đập nên không còn ra hình nữa, huyện lệnh Tiền Đường đã thỉnh xin tuần phủ Chiết Giang đúc lại tượng.
Lần thứ chín là vào năm thứ 12 Thanh Cao Tông Càn Long (năm 1747), Bố chánh sứ Chiết Giang Sử Đường Mạc nhìn thấy mấy bức tượng quỳ trước mộ Nhạc Phi bị đánh đến hư hại nghiêm trọng, bèn lệnh cho thợ đúc lại bốn bức tượng quỳ này và dùng hàng rào gỗ vây quanh.
Lần thứ mười là vào năm Thanh Nhân Tông Gia Khánh, Nguyễn Nguyên, học giả nhà Thanh khi nhậm chức tuần phủ Chiết Giang, đã trùng tu lại miếu Nhạc Phi.
Lần thứ mười một là vào năm thứ 4 Thanh Mục Tông Đồng Trị (năm 1865), Bố chánh sứ Chiết Giang Tưởng Ích Lễ trong thời gian nhậm chức nhận thấy mấy bức tượng quỳ bị hủy hoại nghiêm trọng nên đã cho đúc lại.
Lần thứ mười hai là vào năm 23 thời Thanh Đức Tông Quang Tự (năm 1897), thi nhân Trương Tổ Dực nhậm chức Bố chánh sứ Chiết Giang đã lần nữa cho đúc lại các bức tượng quỳ của bọn gian thần Tần Cối.
Quãng năm 1966, trong hỗn loạn của thời Đại Cách mạng Văn hóa, mộ phần của Nhạc Phi bị phá hoại, bốn bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối cũng bị mất.
Lần thứ mười ba là vào năm 1979, tỉnh Chiết Giang đã một lần nữa xây lại mộ phần Nhạc Phi và đúc lại bốn bức tượng quỳ thân trên để trần, hai tay bị trói ngược ra đằng sau lưng của vợ chồng Tần Cối, Vạn Sĩ Tiết, Trương Tuấn trước mộ Nhạc Phi.
Tượng quỳ của Tần Cối và đồng bọn được đúc lại tới 13 lần đã nói rất rõ rằng gian thần, ác giả có thể đắc ý nhất thời nhưng vẫn phải chịu sự phán xét của lịch sử, của lòng dân, sự phán xét của thiên lý. Còn người trung nghĩa cho dù bị hãm hại bi thảm ra sao vẫn luôn bất tử trong lòng hậu thế.