Sau trận thắng không mấy thuyết phục trước đội Hong Kong (Trung Quốc), nhiều người tỏ ra rất thất vọng và nghi ngờ lối chơi của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Rõ ràng, với con người có mặt trên sân, với lịch sử đối đầu, với thực lực của đội Hong Kong (Trung Quốc), lẽ ra các cầu thủ Việt Nam phải làm được nhiều hơn những gì đã thể hiện trong trận vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, các cầu thủ của ĐT Việt Nam đã quá quen thuộc với lối đá phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo. Họ khó có thể thích nghi được với kiểu đá phối hợp, áp đặt mà HLV Troussier muốn đội bóng vận hành. Chắc chắn ít hay nhiều, điều đó đang tạo áp lực lên HLV Troussier, nhất là trong trận đấu tiếp theo, đối thủ của ĐT Việt Nam là đội Sirya, đội bóng trội hơn về nhiều mặt, từ kỹ chiến thuật, thể hình thể lực, tốc độ…
Có khá nhiều phỏng đoán về chiến thuật mà HLV Troussier muốn các học trò thực hiện trong trận đấu này. Vậy liệu vị HLV này sẽ tiếp tục duy trì chiến thuật phối hợp kiểm soát bóng hay là trước một đối thủ mạnh hơn, ông sẽ cho học trò chuyển về lối đá phòng ngự phản công sở trường, lối đá đã gây không ít khó khăn cho các đội bóng Tây Á?
Như chúng ta đã biết, phối hợp kiểm soát bóng hay phòng ngự phản công chỉ là các hình thái chiến thuật mà các đội bóng phải bắt buộc phải triển khai thuần thục nếu muốn trở thành 1 đội bóng mạnh. Ngay trong trận gặp đội Hong Kong (Trung Quốc), mặc dù là duy trì lối đá phối hợp, áp đặt, kiểm soát bóng, nhưng thực tế những tình huống tạo cơ hội nguy hiểm nhất của các cầu thủ Việt Nam lại xuất phát từ những pha cướp bóng, chuyển trạng thái nhanh từ phòng ngự sang phối hợp tấn công. Mà bản chất, đó chính là những pha phản công.
Nhiều khả năng, khi đối đầu Syria, ông Troussier sẽ yêu cầu các cầu thủ của mình tiếp tục duy trì lối đá như đã gặp Hong Kong (Trung Quốc), đó là cố gắng kiểm soát bóng, tranh chấp kiểm soát trung tuyến, pressing khi có cơ hội và nỗ lực thoát pressing khi đối phương gây áp lực. Vì dù sao đây vẫn là 1 trận đấu giao hữu, cho dù áp lực của dư luận và người hâm mộ có thế nào. Không có lý do nào để ông Troussier không lặp lại tiến trình mà ông đã áp dụng cho đội U22 Việt Nam.
Dù thua Indonesia trong trận bán kết SEA Games 32, nhưng không thể phủ nhận kết quả, đó là sự tiến bộ của đội bóng này trong việc thích nghi với lối đá mới. Các cầu thủ U22 Việt Nam càng đá càng hay sau mỗi trận đấu, bắt đầu từ các trận đấu ở giải giao hữu Doha 2023. Khi đó với toàn các đối thủ mạnh như UAE, Iraq, Kyrgyzstan, các học trò của ông Troussier vẫn thực hành phối hợp kiểm soát bóng, bất chấp kết quả.
Với các cầu thủ ở ĐT Việt Nam cũng vậy, để làm quen với 1 hình thái chiến thuật mới, họ cần cơ hội và thời gian để luyện tập, trau dồi. Với những gì đã thể hiện trong trận gặp Hong Kong (Trung Quốc), ta có thể thấy ĐT Việt Nam chỉ đạt tới mức độ kiểm soát bóng. Có nghĩa là họ cầm bóng nhiều hơn, đưa ra nhiều đường chuyền hơn đối phương. Nhưng bước tiếp theo là sau khi có lợi thế kiểm soát cầm bóng trong chân, chuyền ban cho nhau ở giữa sân rồi, các cầu thủ phải làm gì để ghi bàn thì họ chưa thực hiện được. Và bước tiếp theo đó không bỗng dưng mà làm được, nó cần được rèn luyện, trau dồi, thực hành lặp đi lặp lại cho tới khi nhuần nhuyễn. Và những thứ đó đều đòi hỏi thời gian.
Cũng đã có khá nhiều ý kiến của các chuyên gia và giới truyền thông, rằng cần cho ông Troussier và các cầu thủ ĐT Việt Nam thêm thời gian. Đúng là ông Troussier và các học trò cần thời gian, nhưng điều đó là đương nhiên, không cần ai phải "cho". "Thời gian" chắn chắn nằm trong lộ trình của ông, nằm trong dự tính của những người đã thuê ông ở VFF. Bởi vì hơn ai hết, họ hiểu, để làm mới, để xây dựng 1 đội bóng mạnh, 1 đội bóng gánh vác những tham vọng lớn, luôn khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Trở lại câu chuyện ĐT Việt Nam sẽ đá thế nào trước đối thủ trội hơn nhiều mặt là Syria, có một thực tế trong bóng đá, đó là trước đối thủ, không phải anh muốn làm gì thì làm, muốn đá thế nào thì đá, đặc biệt là với đối phương mạnh hơn. Nếu đối phương vượt trội về thể lực và kỹ thuật, dù anh muốn kiểm soát bóng cũng không được. Dù anh muốn phối hợp áp đặt trận đấu thì người ta vẫn bắt anh phải phòng ngự, vì đơn giản là anh sẽ không có bóng để phối hợp.
Như vậy, chắn chắn khi đá với Syria, các cầu thủ ĐT Việt Nam sẽ phải phòng ngự nhiều hơn khi đá với Hong Kong (Trung Quốc). Và như vậy, những tình huống cướp được bóng trên sân nhà, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phối hợp tấn công, mà bản chất là phản công như đã từng làm trong trận gặp Hong Kong (Trung Quốc) sẽ nhiều hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là ông Troussier chủ động chuyển sang lối đá phòng ngự phản công. Nó chỉ đơn giản là sự chuyển đổi hình thái chiến thuật phù hợp để đối phó với đối thủ mạnh hơn.
Có nhiều sự khác biệt, nhưng điểm khác khác biệt căn bản của lối đá phòng ngự phản công dưới thời HLV Park Hang-seo trước đây và sự chuyển đổi hình thái chiến thuật, từ phòng ngự, chuyển trạng thái sang tấn công của HLV Troussier chính là phản ứng của các cầu thủ phòng ngự sau khi cướp được bóng của đối phương. Với lối đá phòng ngự phản công thuần túy trước đây, các cầu thủ phòng ngự sau khi cướp được bóng, trước áp lực pressing của đối phương, họ sẽ có xu hướng nhanh chóng đưa bóng ra càng xa khung thành đội nhà càng tốt.
Nếu không phá bóng, họ cũng sẽ chuyền dài lên cho tiền đạo cắm ở phía trên. Đương nhiên, tỷ lệ mất bóng của các pha bóng như vậy là rất cao. Còn với lối đá kiểm soát bóng mà các cầu thủ ĐT Việt Nam đang thực hành, đó là sau khi các cầu thủ phòng ngự cướp được bóng, họ sẽ cầm bóng, phối hợp với nhau thoát pressing, cố gắng kiểm soát bóng để phối hợp tổ chức tấn công từ dưới lên. Đương nhiên, rủi ro là nếu thoát pressing không thành công, khung thành đội nhà sẽ bị đe dọa. Phải chấp nhận thôi, vì đó là cái giá phải trả.
Đó sẽ là những gì xảy ra trong trận đấu gặp Syria của thầy trò ông Troussier. Và như vậy, dù phải phòng ngự nhiều hơn, dù phải chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, không có nghĩa là các cầu thủ ĐT Việt Nam của ông Troussier quay lại với lối đá phòng ngự phản công.
Ngoài cá tính, lòng tự trọng của 1 HLV chuyên nghiệp, ngoài năng lực sở trường về lối đá kiểm soát bóng, áp đặt trong huấn luyện và chỉ đạo thi đấu, có 1 lý do rất quan trọng khiến HLV Troussier kiên định xây dựng cho ĐT Việt Nam lối đá kiểm soát bóng, áp đặt, đã được ông chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của Nhật báo Le Figaro. Nội dung chia sẻ là thách thức thực sự của ông là làm sao để khơi dậy ước mơ trong bóng đá Việt Nam và bản thân mơ ước lớn nhất của ông là đưa ĐT Việt Nam đến với World Cup 2026.
Và ai cũng biết, với lối đá phòng ngự phản công mà HLV Park Hang-seo là bậc thầy, với dàn cầu thủ được cho là lứa cầu thủ vàng, ĐT Việt Nam đã không tới được World Cup.
Vì vậy, nếu muốn đến với đấu trường lớn hơn, đến với World Cup, chắc chắn bóng đá Việt Nam phải thay đổi. Và ông Troussier đang làm điều đó.