Trước đó, vào tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nghị quyết với mục tiêu xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu này được đặt ra bởi hiện nay nhu cầu thực tế về nhà ở cho người thu nhập thấp là rất cao, trong khi đó, địa phương lại có số lượng nhà ở cho những đối tượng này khá ít. Vì vậy, để giữ chân người lao động, giúp họ an cư lạc nghiệp, Đồng Nai chủ trương xây dựng số lượng lớn nhà ở xã hội.
Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Nai ước dành khoảng 10.155 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên diện tích hơn 700ha đất. Đây là những dự án không bao gồm quỹ đất phải dành cho nhà ở xã hội trong các dự án thương mại.
Các địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội sẽ được bố trí nhiều quỹ đất hơn để phát triển loại hình nhà ở này. Về số lượng, tính theo địa phương, TP.Biên Hòa có 18 dự án, huyện Cẩm Mỹ 12 dự án, huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất cùng có 7 dự án…
Hiện tỉnh Đồng Nai có 9 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đang triển khai với tổng số 10.202 căn nhà, tập trung chủ yếu tại huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành. Toàn tỉnh này hiện có 3.500 căn nhà ở xã hội. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân chỉ khoảng 1.500 hộ, 2.000 căn còn lại là các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang.
Theo kế hoạch của tỉnh Đồng Nai, từ năm 2026, các huyện, thành phố sẽ xây dựng từ 1-3 dự án nhà ở xã hội mới và lộ trình đến năm 2030, Đồng Nai xây dựng 37 dự án với khoảng 40.000 căn hộ.
Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng địa phương rất cần các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Do đó, tỉnh ủng hộ và tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án đúng trình tự thủ tục, đủ hồ sơ pháp lý nhằm sớm có nhiều nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Cũng theo ông Đức, thời gian qua, Đồng Nai đang mời gọi đầu tư nhiều dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đặc biệt, các huyện, thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất để đề xuất dự án theo nhu cầu. Về pháp lý, tỉnh đang hoàn chỉnh bộ quy trình thủ tục dành riêng cho dự án nhà ở xã hội theo 2 hình thức đất doanh nghiệp có quyền sử dụng và đất công. Liên quan đến nguồn vốn, ngoài nguồn từ đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, tỉnh có một số nguồn có thể khai thác như Quỹ Đầu tư và phát triển Đồng Nai.
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, cuối chiều 19/6, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục làm việc với Sở Xây dựng và các huyện, thành phố về tình hình thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Tại buổi làm việc, báo cáo từ Sở Xây dựng cho biết ngoài các dự án đang triển khai có diện tích đất 52ha, quy mô hơn 8.000 căn hộ, hiện tại UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt quỹ đất 700ha để kêu gọi đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Tính đến thời điểm này mới có 2 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Theo đánh giá, công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chậm. Riêng đối với quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, một số nhà đầu tư đề xuất tự thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung vốn, bổ sung kế hoạch sử dụng đất, do đó cũng chậm.
Đa số các địa phương cho rằng thủ tục pháp lý là vướng mắc lớn nhất của các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, tại TP.Biên Hòa có 2 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vướng thi tuyển thiết kế do Sở Xây dựng thực hiện, vướng thẩm định năng lực nhà đầu tư do Sở KH-ĐT thực hiện. Tương tự, tại huyện Nhơn Trạch có 2 dự án đủ điều kiện hồ sơ nhưng phát sinh yêu cầu kiểm tra tiền bồi thường dự án.
“Nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng các dự án triển khai chậm. Do đó, cả 3 sở gồm Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau hỗ trợ, hướng dẫn địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý. Mục đích để trong năm nay phải khởi công ít nhất 3-5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Dự án ưu tiên gồm: 2 dự án tại TP.Biên Hòa; dự án của các công ty Long Thành Riverside, D2D, Kim Oanh, An Hưng Phát… Chúng tôi cũng đề nghị Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh làm việc với các công ty kinh doanh hạ tầng yêu cầu rà soát quỹ đất để làm nhà lưu trú công nhân, làm việc với các doanh nghiệp đông lao động, nắm bắt nhu cầu nhà ở để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án phù hợp”, ông Đức nhấn mạnh.