Chào Bảo Trâm! Trước nhất xin được chúc mừng bạn và U20 Việt Nam đã giành vé dự VCK U20 châu Á 2024. Để mở đầu câu chuyện, Trâm có thể giới thiệu một chút về bản thân? Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với bóng đá?
Chào mọi người! Tôi là Lê Thị Bảo Trâm, sinh năm 2004 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện tại tôi đang là trung vệ của CLB Than Khoáng Sản Việt Nam và thành viên ĐT nữ U20 Việt Nam.
Từ hồi học lớp 3 hay 4 tôi đã đam mê bóng đá. Máu bóng đá trong tôi chắc bị ảnh hưởng từ anh trai. Anh rất mê đá bóng và thực tế cũng thuộc diện đá hay ở địa phương. Tôi mê nhưng không được bố mẹ và anh trai ủng hộ. Họ sợ con gái đá bóng nhiều sẽ giống con trai rồi chấn thương nọ kia.
Ở nhà, tôi không được phép dính dáng gì tới bóng đá. Xem bóng đá cũng không nốt. Chỉ có lên trường tôi mới có cơ hội thể hiện đam mê. Tôi chủ yếu đá bóng với bọn con trai. Hồi tiểu học thì chưa có chia đội nam nữ gì, cứ nhảy vào đá chung thôi.
Năm 11 tuổi, một người anh gần nhà báo tin CLB Than Khoáng Sản đang tuyển sinh cầu thủ trẻ ngoài Tam Kỳ. Tôi xin ra thử thì bố mẹ dứt khoát không cho. Để thuyết phục, tôi đã phải… khóc lóc rồi lăn lê bò nhoài suốt cả mấy ngày liền.
Bố không ủng hộ nhưng cũng đồng ý chở đi. Chiều trước ngày đi, chắc sợ tôi ra đó thể hiện không bằng ai, anh trai kéo ra sân dạy đánh đầu, tâng bóng và một số kỹ năng khác nữa.
Tôi đi thi rồi về nhà đợi kết quả. Sau 1 tháng cũng chưa thấy ai nói gì. Có thể nói tôi thi trượt thì là tin buồn với cá nhân thôi, còn với cả nhà là tin vui. "Thôi trượt đi, ở nhà đi học, đá bóng làm gì cho khổ", bố mẹ lúc nào cũng nói thế. Khoảng hơn 1 tháng sau thì có kết quả từ Tam Kỳ báo về tôi đậu Than Khoáng Sản.
Tháng 8/2015, tôi chính thức ra Bắc. Tuy nhiên, tôi chỉ ở Quảng Ninh 1 năm. Năm sau đó tôi được chọn lên Hà Nội tập trung dài hạn với đội dự tuyển U16 Quốc gia đến tận 2020 mới về lại CLB.
Biết tin đậu vào Than Khoáng Sản, bạn và gia đình đã phản ứng thế nào?
Anh không hình dung được đâu, mẹ tôi đã khóc lên khóc xuống suốt cả nửa năm. Bản thân tôi thì rất háo hức. Khoảng 10 ngày đầu ra Bắc tôi vui lắm. Được đá bóng rồi còn có bạn bè mới nữa. Mẹ gọi điện hỏi có nhớ nhà không tôi còn bảo "không".
Một thời gian sau thì tôi mới bắt đầu cảm thấy buồn và nhớ nhà. Lúc này tới lượt… tôi khóc. Cứ rảnh là khóc. Kể cả lúc đi tập lẫn đi học. Nhớ nhà quá tôi gọi cho mẹ nói mẹ ra đón con về đi. Mẹ lúc đó đang ở Huế có việc nên chỉ biết động viên con gái, bảo rằng "đợi mẹ đi Huế về sẽ ra đón con".
Nhưng mẹ nói vậy để trấn an tôi thôi chứ lúc đó đã vào guồng rồi đâu thể nói về là về ngay được. Tôi ở lại khóc nhiều lắm nhưng được các cô an ủi dỗ dành rồi từ từ cũng nguôi ngoai.
Quãng thời gian ban đầu ra Bắc học tập, sinh hoạt và đá bóng, Trâm có gặp khó khăn nào không?
Ở trên đội dự tuyển thì các bạn cũng trạc tuổi nên việc sinh hoạt cũng khá thoải mái. Khi về CLB thì mình phải làm quen với môi trường đa dạng về độ tuổi, tính cách nên sẽ có một số khác biệt. Tôi phải điều chỉnh về lời ăn tiếng nói, suy nghĩ hành động phải có trên có dưới. Còn lại mọi thứ tôi thấy không vấn đề gì.
Bản thân tôi từ nhỏ đã quen tự lập. Nhà không khá giả, bố mẹ thì đi làm xa, nên ở nhà tôi cũng phải tự nấu cơm, quét nhà, lau nhà, giặt quần áo… Tôi quen việc rồi nên khi đi môi trường tập thể thì thấy rất bình thường. Nhưng với một số bạn khác thì cuộc sống này ban đầu cũng khá khó khăn để thích ứng.
Trong đợt tuyển sinh năm ấy, ngoài Trâm ra thì còn cầu thủ đồng hương Quảng Nam nào được chọn không?
Ngoài tôi còn có Trần Nhật Lan (cũng là tuyển thủ U20 Việt Nam - PV) và một số chị nữa. Nhưng tôi với Lan thì bằng tuổi và cùng lứa nên dễ chia sẻ động viên nhau. Chúng tôi đi đâu làm gì cũng có nhau. Nhờ vậy đến giờ hai đứa vẫn rất thân thiết, gắn bó.
Hẳn là hai bạn đã có không ít kỷ niệm đáng nhớ?
Lúc mới ra Bắc thì tôi và Nhật Lan cũng gặp chút khó khăn. Cuộc sống ở xứ sở mới có nhiều cái mới mẻ. Khác biệt từ khẩu vị ăn uống cho tới giọng nói. Hồi nhỏ tôi với Lan nói giọng Quảng Nam. Đi học vẫn hay bị bạn bè gọi là "hai cái con dân tộc này".
Mọi người có chút gì đó hơi xa lánh mình. Hai đứa thấy vậy thì không thích và không muốn đi học nữa. Nhưng đó là thời gian đầu thôi. Sau này mình hòa nhập rồi thì không còn gì để nói.
Đá bóng xa nhà mấy năm liền, có bao giờ Trâm cảm thấy nản chí và muốn từ bỏ?
Năm 16 tuổi tôi cũng từng có ý định giải nghệ. Tôi suy nghĩ mình là con gái mà làm nghề này vất vả quá. Tôi không muốn phơi nắng nữa. Dự tính của tôi là về nhà đi học nghề trang điểm.
Lúc đó, mình cũng suy nghĩ rất nhiều rồi mới nói chuyện với thầy Cao Chí Thành. Nhưng khi gặp thì thầy khuyên nhủ rất nhiều.
Thầy nói tôi có tiềm năng, còn có thể phát triển xa hơn. Chưa kể tôi đã theo nghề 5-6 năm mà giờ quay về làm lại từ đầu thì rất phiêu lưu. Tôi nghe vậy thì xuôi theo ý thầy.
Bắt đầu từ khi nào thì Bảo Trâm được các HLV cấp độ đội tuyển Quốc gia chú ý và triệu tập? Bạn đã có những trải nghiệm ban đầu như thế nào trong màu áo đội tuyển?
Như đã chia sẻ tôi chỉ tập ở Than Khoáng Sản 1 năm, sau đó thì được chọn lên Hà Nội tập huấn dài hạn với đội dự tuyển U16 Việt Nam (đóng quân tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF - PV). Thời điểm này, tôi được làm việc với cô Mai Lan. Đây là HLV dẫn dắt tôi từ lúc chưa biết gì tới tận bây giờ.
Cô luôn đánh giá tôi không có một chút năng khiếu đá bóng nào. Các bạn có ai cũng có một chút tố chất còn Trâm thì không, nên quá trình đào tạo sẽ khó khăn hơn. Dẫu biết khó nhưng cô vẫn kiên trì giảng dạy cho học trò. Tôi có được ngày hôm nay chính là nhờ công sức và nỗ lực rèn giũa của cô Mai Lan.
Tất nhiên, ngoài sự hỗ trợ của cô, bản thân tôi cũng phải cố gắng rất nhiều. Hôm nào thấy bản thân tập chưa tốt tôi sẽ nán lại 30 phút để tập thêm. Có hôm tập đá lòng, có hôm thì tập tâng bóng. Tập lòng thì sẽ đá bóng vào tường để bóng bật ra rồi đỡ. Còn tâng bóng thì mình đặt ra mục tiêu tâng đủ 20-30 lần thành công liên tiếp mới cho phép bản thân ra về.
Tại một trong những giải đấu lớn đầu tiên mà Trâm tham dự, bạn đã cùng U16 Việt Nam để thua U16 Triều Tiên… 10-0 tại VCK U16 châu Á 2019 ở Myanmar. Bạn có ký ức gì về thất bại đáng quên ấy không?
Đấy chính xác là thất bại khủng khiếp nhất mà tôi từng phải lãnh nhận từ khi đi đá bóng. Đầu trận, ban huấn luyện yêu cầu toàn đội giữ cự ly khối ở trước vòng 16m50. Sơ đồ ban đầu là 5-4-1 tôi thì đá hậu vệ biên. Khối đội hình vẫn được tổ chức khá ổn, di chuyển đồng điệu nhưng không hiểu sao các bạn Triều Tiên xuyên thủng qua chúng tôi quá dễ dàng.
Tôi có cảm giác chúng tôi như những đứa trẻ cấp 1 đá với đàn chị trường đại học. Hiệp 1, các bạn Triều Tiên dẫn trước 2 bàn. Giờ giải lao, mặc cho ban huấn luyện đã động viên tinh thần, U16 Việt Nam vẫn bị đánh gục ở 45 phút còn lại.
Chúng tôi như "lực bất tòng tâm". Nhưng toàn đội không có gì để tiếc nuối. Nếu hôm đó đá hay mà không "ăn" được thì còn tiếc. Còn đằng này là mình thua trắng mặt, không thể phản kháng. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức.
Mọi người đã làm gì để vượt qua nỗi thất vọng ấy để hướng tới 2 trận đấu quan trọng sau đó?
Trong 2 ngày nghỉ sau đó ban huấn luyện đã làm công tác tư tưởng cho toàn đội. Các thầy nói đây đã là giải 8 đội mạnh nhất châu Á nên mọi người cứ chơi hết mình hết lực thôi. Không cần bận tâm suy nghĩ gì nhiều về kết quả.
Về chuyên môn, ban huấn luyện cũng rèn lại cho chúng tôi về khả năng phòng ngự, đặc biệt là về cự ly đội hình. Sau khi ổn định tư tưởng, hai trận còn lại chúng tôi ra sân với tinh thần vì màu cờ sắc áo và để thua với cách biệt ít hơn.
Tại vòng loại U20 châu Á 2024 vừa qua, Bảo Trâm có 1 pha lập công trong trận gặp Lebanon. Sau khi ghi bàn, bạn đã ăn mừng theo phong cách "Siuuuu" của Ronaldo. Đây là một pha ăn mừng ngẫu hứng hay có chủ đích từ đầu?
Lúc ghi bàn xong tôi vui quá nên ăn mừng một cách ngẫu nhiên thôi chứ không có sự chuẩn bị trước. Ở cấp độ U16 thỉnh thoảng tôi cũng lập công khi tham gia tình huống cố định. Ban huấn luyện biết tôi mạnh về đánh đầu nên cũng thường động viên lên tham gia tấn công khi có cơ hội.
Hiện tại ở đội Than Khoáng Sản Việt Nam, Trâm đã được đôn lên đội Một thi đấu giải VĐQG chưa?
Tôi được đôn lên đội Một Than Khoáng Sản Việt Nam từ tháng 12/2022 nhưng chưa được ra sân lần nào. Tôi chỉ mới 19 tuổi, so với các đàn chị dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì còn thiếu và phải học hỏi rất nhiều. Tôi phải cố gắng hơn nữa nếu muốn được ra sân thi đấu.
Bạn nghĩ mình có điểm mạnh và yếu nào cần khắc phục?
Về điểm mạnh, trong phòng ngự tôi nghĩ mình thông minh, có khả năng phán đoán, đọc tình huống. Khả năng đánh đầu và tận dụng thời cơ khi lên tham gia tấn công cũng là một ưu thế.
Thuở nhỏ, tôi phát triển sớm nên từ cấp một đã cao hơn đồng đội một cái đầu, có thể vì vậy các thầy ướm cho tôi đá trung vệ. Tuy nhiên sau này tôi cảm thấy mình hợp nhất ở cánh trái. Tôi thuận chân phải nhưng có thể chơi ở cả 2 cánh.
Tôi nghĩ điểm yếu của mình là về mặt thể hình. Tôi chỉ cao 1m62. Đối với cầu thủ nữ thì đây chỉ là chiều cao trung bình. Do vậy, khi được sắp đá trung vệ, tôi cảm thấy không được tự tin. Nếu được chọn thì tôi thích đá hậu vệ biên hơn.
Bạn có thần tượng một cầu thủ nào ở bóng đá Việt Nam và quốc tế không? Bạn học hỏi điều gì từ họ?
Khi đội tuyển Quốc gia thi đấu thầy trò chúng tôi vẫn thường theo dõi trực tiếp để học hỏi và đúc rút kinh nghiệm.
Cầu thủ mà tôi yêu thích là chị Huỳnh Như. Tôi xem mọi cầu thủ. Ai đá hay thì mình học hỏi từ họ chứ không phải vì cùng vị trí mình mới chú ý. Với tôi, chị Huỳnh Như là một cầu thủ toàn diện. Chị ấy thông minh, tinh quái. Tôi phải học rất nhiều.
Còn về nam thì tôi thích anh Quế Ngọc Hải. Bóng đá nước ngoài gần đây tôi không xem nhiều nên không có lựa chọn. Nhưng cách đây khoảng 7-8 năm đó là Pepe của Bồ Đào Nha. Đây đều là mẫu trung vệ có lối chơi mạnh mẽ, quyết đoán giống tôi.
Nói riêng về anh Quế Ngọc Hải, tuy chơi ở phòng ngự nhưng anh thường có những pha lên tham gia tấn công ghi bàn hoặc kiến tạo cho đồng đội. Tôi rất thích điểm này ở anh.
Là cầu thủ trẻ thuộc thế hệ mới, bạn có nghĩ tới viễn cảnh xuất ngoại trong tương lai, giống như chị Huỳnh Như?
Là cầu thủ trẻ thì ai cũng có tham vọng. Tuy nhiên, hiện tại, tôi phải cố gắng tìm cơ hội thi đấu ở đội 1 Than Khoáng Sản trước đã, sau này mới có thể tính tới việc xuất ngoại. Tôi nghĩ đó là ước mơ của mọi cầu thủ chứ không riêng gì Bảo Trâm.
Trên sân Bảo Trâm là một trung vệ mạnh mẽ, gan lỳ, đầy quyết đoán, thế còn ngoài sân thì bạn là mẫu hình như thế nào nhỉ? Thời gian rảnh, bạn thường làm gì?
Ở ngoài đời tôi là người khá mạnh mẽ. Trên sân như thế nào thì ngoài đời tôi cũng như vậy. Tôi không thích yếu đuối.
Ngoài thời gian tập với đội tôi cũng tranh thủ tập thêm vào buổi sáng để hoàn thiện về kỹ thuật, sức mạnh và kỹ năng còn thiếu. Còn buổi tối tôi thường gặp gỡ bạn bè để tán gẫu. Nếu có thời gian thì sẽ đi chụp hình. Đây cũng là niềm đam mê của tôi.
Gần đây, tôi cũng tranh thủ học thêm tiếng Anh. Tôi được anh họ dạy cho. Anh nói tôi là cầu thủ tuyển trẻ Quốc gia, thường xuyên đi thi đấu nước ngoài nên biết chút tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn cho công việc. Tôi đang cố gắng học lại từ đầu.
Người mạnh mẽ nhất cũng có lúc yếu lòng. Bạn đã từng trải qua cảm giác như vậy?
Có chứ! Phàm là con người ai cũng sẽ có lúc yếu mềm. Ví dụ nhé, những lúc ra sân tập chưa tốt bị nhắc nhở nhiều cũng khiến tôi suy nghĩ rồi rơi nước mắt. Sau đó mình được đồng đội và ban huấn luyện động viên từ từ mới vượt qua.
Sau khi cùng U20 Việt Nam giành vé dự VCK U20 châu Á 2024, mục tiêu kế tiếp của em trong năm nay và năm kế tiếp là gì?
Ngay từ khi đội tuyển U20 Việt Nam được thành lập, chúng tôi đã đặt mục tiêu là tham dự U20 World Cup 2024. Đội tuyển sẽ cố gắng xử lý từng trận đấu một rồi chờ xem điều gì xảy ra.
Nhưng trước mắt chúng tôi sẽ là giải U20 Đông Nam Á 2023. Ngày 17/06 này đội sẽ hội quân để chuẩn bị cho chiến dịch. Giải này có các bạn Australia tham dự nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu cao nhất.
Câu hỏi cuối hơi riêng tư một chút, bạn đã tìm được một nửa của mình chưa? Nếu chưa thì bạn có thể chia sẻ gu bạn trai của mình là gì?
Hiện tại thì tôi chưa tìm được một nửa còn lại. Tôi cũng không có gu người yêu vì tôi nghĩ càng đặt ra tiêu chuẩn thì sẽ càng gặp phải người không đúng. Ai phù hợp với tôi thì tôi sẽ yêu thôi. Nếu được chọn tôi sẽ chọn bạn trai cùng là cầu thủ.
Cảm ơn Trâm về cuộc trao đổi này!
Thông tin cầu thủ Lê Thị Bảo Trâm