Dân Việt

Cà Mau: Nhiều gia đình trước nguy cơ mất nơi ở khi xã thu hồi đất

Hoàng Hạnh 22/06/2023 15:55 GMT+7
Xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau ra thông báo thu hồi phần đất cho hàng chục gia đình gồm cán bộ, giáo viên mượn cất nhà ở từ năm 2006 để làm khu dân cư, khiến nhiều người đứng trước nguy cơ mất chỗ ở.

Hàng chục hộ dân đang sinh sống ổn định tại khu tập thể ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời cho biết, đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét lại Thông báo số 68/TB – UBND ngày 21/9/2022 của UBND xã về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất mà xã cho cán bộ, giáo viên và hộ dân mượn cất nhà từ năm 2006.

Theo nội dung thông báo này, 14 hộ là cán bộ, 6 hộ là giáo viên và hộ dân đang có nhà ở trên phần đất công của xã (khu tập thể cán bộ, giáo viên) phải tháo dỡ, di dời nhà… để trả lại hiện trạng đất ban đầu cho UBND xã quản lý đúng theo quy định.

Cô Trần Thị Thanh Hải đang giảng dạy tại Trường Tiểu học 2 Phong Lạc cho biết, trước đây gia đình cô được bố trí ở tại khu tập thể của xã Phong Lạc cặp sông Ông Đốc; thời gian sau khu tập thể bị sập, nhiều gia đình là cán bộ, giáo viên không còn nơi ở nên được UBND xã Phong Lạc khi đó cho phép về khu đất công do xã quản lý ở ấp Rạch Bần xây cất nhà ở.

Cà Mau: Nhiều gia đình trước nguy cơ mất nơi ở khi xã thu hồi đất - Ảnh 2.

Nhiều gia đình tại khu tập thể trên phần đất công do UBND xã quản lý không có đất ở nơi khác đang đứng trước nguy cơ mất nơi ở duy nhất. Ảnh: Hoàng Hạnh

"Tôi và nhiều gia đình khác phải bỏ tiền túi ra san lấp mặt bằng cất nhà ở, vì toàn bộ diện tích khu tập thể này khi đó là ao đìa. Đến năm 2019, căn nhà cũ bị hư hỏng nên tôi gom hết tiền tích lũy, cộng thêm vay mượn bên ngoài xây được căn nhà trị giá hơn 500 triệu đồng, nay mới ở được mấy năm thì nhận được thông báo của xã yêu cầu tháo dỡ nhà để trả đất", cô Hải nói và cho biết, nếu dỡ nhà, gia đình cô không biết ở đâu, trong khi tiền nợ xây nhà đến nay vẫn trả chưa xong.

Có chung hoàn cảnh với cô Hải, cô Đào Thị Hiền – giáo viên trường mầm non Phong Lạc mếu máo nói, năm 2020, gia đình cô vay ngân hàng 250 triệu đồng, cộng với tiền tích lũy mới xây lại được căn nhà mới sau nhiều năm dột nát, nhưng nay gia đình lại đứng trước nguy cơ trắng tay, mất nhà còn lâm nợ.

"Gia đình tôi từ Bắc vào đây công tác hơn 30 năm, hiện tại vợ chồng tôi còn nuôi dưỡng cha mẹ già đều là cựu chiến binh đang bệnh tật, nên giờ nếu bị thu hồi đất gia đình không biết ở đâu vì không còn đất nơi nào khác", cô Hiền nói với giọng trầm buồn.

Cà Mau: Nhiều gia đình trước nguy cơ mất nơi ở khi xã thu hồi đất - Ảnh 3.

Chị Loan khóc ròng khi nghĩ đến cảnh phải dỡ nhà. Ảnh: Hoàng Hạnh

Trong khi đó, chị Trần Thị Bích Loan khóc ròng khi nghĩ đến cảnh gia đình sẽ bị mất nhà, các con mình không có nơi che mưa, che nắng. "Cha tôi trước đây là cán bộ công tác tại xã mới được phép về khu tập thể này cất nhà ở, nay cha tôi đã mất, gia đình tôi cũng chỉ có căn nhà này là nơi ở duy nhất", chị Loan nói trong nước mắt.

Bản thân chị Loan không có việc làm, chồng chị làm phụ hồ, gia đình đang nuôi hai con nhỏ, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương của chồng…

Điều khiến các hộ dân bức xúc là trước khi xây dựng lại nhà mới, họ không được chính quyền địa phương thông báo là sẽ thu hồi đất, ngay cả trong thông báo số 68 của UBND xã Phong Lạc cũng không nói là thu hồi đất để làm gì, phương án hỗ trợ, bồi thường cho bà con như thế nào sau khi phải tháo dỡ nhà, trả đất cho Nhà nước…

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Việt Thanh – Chủ tịch UBND xã Phong Lạc cho biết, việc thu hồi này nhằm để quy hoạch lại khu dân cư, sau khi thu hồi, xã sẽ xem xét bố trí lại nền cho các hộ không có đất ở nơi khác, còn các hộ có đất nơi khác thì phải trả lại đất cho Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những hộ dân phải đập nhà, trả lại đất, sau đó được xã giao lại đất có thu tiền để cất lại nhà mới thì khổ cho dân không, ông Thanh nói: "Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên không có phương án nào khác, dù biết là bà con khổ".

Trong khi đó, lãnh đạo Huyện ủy huyện Trần Văn Thời cho biết, đã chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra phương án giải quyết phù hợp nhất, chứ không phải buộc di dời hết.