Dân Việt

Biển số xe theo định danh cá nhân: Chuyên gia nói nên áp dụng, người dân nhiều băn khoăn

Khải Phạm 23/06/2023 08:51 GMT+7
Giống như mã định danh trên Căn cước công dân, biển số định danh cá nhân sẽ theo suốt đời và không thể mua bán, sang nhượng... nhiều khả năng sẽ là quy định được áp dụng từ 1/7/2023.

Ở Việt Nam, biển số xe định danh cá nhân vẫn còn là khái niệm khá mới với nhiều người dân. Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển trên thế giới, biển số định danh đã được áp dụng từ lâu và cho thấy hiệu quả trong việc quản lý xe cũng như dữ liệu dân cư.

Tuy nhiên, Dự thảo thông tư quy định về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới thay thế Thông tư 54/2020 đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, biển số xe sẽ được quản lý theo mã định danh của người sở hữu. Dự kiến, Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 tới đây.

Biển số định danh theo người dân cả đời

Theo Dự thảo thông tư, Biển số được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Chủ xe là cá nhân, tổ chức có trụ sở, nơi cư trú tại địa phương nào thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó. 

Đối với chủ xe là người Việt Nam thì biển số được quản lý theo mã định danh cá nhân. Trong khi chủ xe người nước ngoài, biển số được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài. Riêng đối với chủ xe là tổ chức, biển số được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế.

Biển số định danh cá nhân: Chuyên gia nói nên áp dụng, người dân nhiều băn khoăn - Ảnh 1.

Biển số định danh cá nhân dự kiến áp dụng từ 1/7/2023. Ảnh Khải Phạm.

Nói về Dự thảo thông tư biển số định danh cá nhân, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) cho biết, việc áp dụng biển số định danh cá nhân là cần thiết để dễ dàng quản lý phương tiện theo dữ liệu dân cư quốc gia.

"Ở nước ngoài, biển số định danh cá nhân được cấp cho người dân theo suốt đời đã được áp dụng từ lâu và cho thấy hiệu quả trong việc quản lý. Với tôi, việc áp dụng biển số định danh cá nhân là cần thiết đối với Việt Nam. Chúng ta là những người đi sau, chọn lọc cái hay của các nước phát triển để học tập là việc nên làm vì thực tế là nó cần thiết và hiệu quả", vị chuyên gia này nói.

Trong Dự thảo thông tư mới cũng nêu rõ, trong trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu thì biển số được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký chiếc khác thuộc sở hữu của mình. Thời hạn giữ biển số cho chủ xe là 5 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số. 

Nếu quá 5 năm, chủ xe không không thực hiện đăng ký thu hồi, cơ quan quản lý đăng ký xe sẽ thu hồi và đưa vào kho số để thực hiện đăng ký theo quy định. Nếu chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú sang địa phương khác thì không phải đổi biển số.

Bộ Công an đề xuất khi bán, cho tặng, thừa kế, trao đổi xe, chủ xe phải giữ lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số và nộp cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi. Với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm biển số trúng đấu giá, chủ xe nộp giấy chứng nhận đăng ký xe cho cơ quan đăng ký để làm thủ tục thu hồi.

Với Dự thảo thông tư mới áp dụng biển số định danh cá nhân, nhiều người dân còn nhiều băn khoăn. Anh Mai Đình Long, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thời gian áp dụng có vẻ gấp khi thông tin Dự thảo thông tin mới được công khai.

"Người dân cần có thời gian dài hơn đề tiếp nhận thông tin, việc áp dụng ngay đầu tháng 7/2023 theo tôi là khá sớm, có phần vội vàng. Tuy nhiên, nếu áp dụng hiệu quả thì đây sẽ là bước đi lớn trong việc quản lý phương tiện cá nhân của Việt Nam, dẫu sao tôi vẫn ủng hộ điều đó", anh Long nói.

Biển số nên được cá nhân hoá

Theo ông Hải Kar, ngoài việc quản lý biển số xe theo định danh cá nhân, nhà nước nên cho phép người dân có thể mua biển số theo nhu cầu.

"Ở những nước phát triển, ngoài việc cấp biển số định danh cá nhân cho phương tiện, nhà nước cũng quản lý theo nhiều cách khác nhau. Với những người có điều kiện kinh tế, muốn sở hữu biển số cá nhân hoá như tên tuổi, địa chỉ hay biệt danh, họ có thể mua để đáp ứng nhu cầu đó. Đơn cử như tôi tên gì, tôi được quyền mua biển số theo tên tôi thì sẽ khiến họ thoả mãn hơn", ông Hải nói. 

Bên cạnh biển số đẹp đấu giá như Dự thảo trước đây, việc đấu giá biển số theo nhu cầu cũng là một giải pháp hay vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân và cũng giúp gia tăng ngân sách nhà nước. Rõ ràng việc quản lý biển số định danh hay đấu giá, cấp biển số theo nhu cầu miễn người dân có thể trả phí thì đều cho thấy tính hiệu quả.

Biển số định danh cá nhân: Chuyên gia nói nên áp dụng, người dân nhiều băn khoăn - Ảnh 2.

Biển số theo nhu cầu cũng nên được áp dụng. Ảnh Bego.

"Tôi nghĩ việc cấp biển số theo định danh cá nhân là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu được chọn biển số theo tên tuổi, nick name, biệt danh... thì còn gì tuyệt vời hơn. Trên mạng xã hội, ai cũng muốn mình khác biệt với những nick name, biệt danh riêng thì tại sao biển số xe, một tài sản được nhà nước quản lý lại không thể có tính cá nhân riêng biệt", anh Trần Tuấn Anh, Cầu Giấy Hà Nội chia sẻ.

Chung quan điểm, chị Phạm Thu Thảo, Long Biên, Hà Nội cho biết, việc cấp biển số theo nhu cầu có vẻ sẽ hợp lý và khả thi được nhiều người mong chờ hơn. Biển số theo nhu cầu sẽ được chọn để cá nhân hoá thay vì phải tuân theo những con số cứng nhắc trong định danh cá nhân. Chỉ cần cơ quản lý tính toán chi phí hợp lý để người dân có thể sở hữu biển theo nhu cầu, tôi nghĩ sẽ nhiều người sẵn sàng chi để sở hữu, nhà nước thêm nguồn thu.

Có thể thấy rằng, Dự thảo thông tư về việc cấp biển số định danh cá nhân là cần thiết, nhưng nếu áp dụng linh hoạt với nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý cũng nhu đáp ứng nguyện vọng của người dân tốt hơn./.