Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân là người cao tuổi, nuốt phải dị vật gây tắc nghẹn thực quản hoặc thủng tá tràng.
Một bệnh nhân nữ (73 tuổi), nhập viện với triệu chứng đau bụng tăng, sốt cao 39 độ. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 3 ngày trước khi vào viện bệnh nhân đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn phải âm ỉ liên tục, tăng dần, điều trị ở tuyến trước không đỡ.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân đội, qua thăm khám bác sỹ nghi ngờ có tình trạng viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng là một tình trạng cấp cứu ngoại bụng.
Sau đó, bệnh nhân được chụp CT ổ bụng cấp cứu thấy hình ảnh thủng tá tràng đoạn DII- DIII nghi ngờ do dị vật vỏ thuốc. Ngay sau đó được mổ cấp cứu thấy dị vật là vỏ thuốc, khâu lỗ thủng tá tràng, lau rửa ổ bụng. Bệnh nhân hồi phục tốt sau phẫu thuật kịp thời.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Mai, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh viêm phúc mạc là bệnh lý xảy ra do phúc mạc bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau từ nhiễm trùng ổ bụng hoặc từ nơi khác đến.
Nhiều trường hợp do bệnh nhân có nuốt phải dị vật: vỏ thuốc, xương, tăm.. gây ra tình trạng thủng tạng rỗng. Nếu phẫu thuật muộn có thể gây biến chứng viêm phúc mạc, suy đa dạng, thậm chí tử vong.
"Tuy nhiên các triệu chứng thường bị che lấp ở bệnh nhân tuổi cao, đáp ứng miễn dịch kém. Quá trình chẩn đoán ở các bệnh nhân này rất khó cần được thăm khám nhanh chóng, tỷ mẩn và chính xác nhằm giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong", bác sĩ Mai chia sẻ.
Một bệnh nhân người cao tuổi khác được thăm khám và điều trị tại khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Quân đội 108.
Bệnh nhân nam, 91 tuổi, vào viện vì nuốt nghẹn khó, đau rát vùng ngực một ngày sau khi ăn măng. Bệnh nhân đã được tiến hành thăm khám và chẩn đoán dị vật thức ăn thực quản.
Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng bệnh và nguy cơ bệnh nhân cao tuổi, kíp kĩ thuật đã tiến hành nội soi cắt nhỏ và lấy hoàn toàn khối bã thức ăn lớn (kích thước 8cm có cả tăm cứng) ra khỏi thực quản.
May mắn vì bệnh nhân được phát hiện sớm nên khối dị vật chưa gây tổn thương loét hay thủng thực quản. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định và được hướng dẫn theo dõi tại nhà.
Theo bác sĩ khoa Nội soi tiêu hóa, hàng năm khoa tiếp nhận từ 80-100 ca dị vật ống tiêu hóa các loại, trong đó nhiều ca bệnh là người cao tuổi bị tắc nghẽn bã thức ăn.
Thực quản là vị trí thường gặp nhất của dị vật thức ăn do bị mắc lại ở những vị trí hẹp sinh lý hoặc bệnh lý, đặc biệt ở người lớn tuổi do có chậm vận động thực quản.
Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là nuốt nghẹn cấp tính, đôi khi có kèm theo nôn, đau rát vùng ngực, ho khạc ra máu, khó thở do dị vật gây trợt loét, tỳ đè thủng thực quản sang khí quản, buồng tim ....
Người cao tuổi cần được chăm sóc răng miệng tốt, ăn chế độ mềm, dễ nhai nuốt, ăn nhỏ nhiều bữa và cần ngồi dậy khi ăn, tránh để bị sặc, tuyệt đối không ăn các đồ nhiều xơ chát như măng, quả sung, vả, hồng xiêm. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ để tránh cho người cao tuổi nuốt phải dị vật.