Chiều 23/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 85 sửa đổi).
Tới đây, theo Nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10-11/2023), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
"Các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phải nỗ lực rất nhiều"
Trao đổi với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng các Bộ trưởng sẽ phải có trách nhiệm rất cao trong bối cảnh sắp bỏ phiếu tín nhiệm.
"Thời điểm từ nay cho tới Kỳ họp thứ 6 sẽ là giai đoạn các Bộ trưởng, trưởng ngành phải nỗ lực rất nhiều, làm sao thực hiện được lời hứa. Đã hứa rồi mà không làm được chứng tỏ không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này phải rõ ràng, làm tốt thì khen thưởng, làm không được thì chúng ta phải nêu trách nhiệm để xử lý", ông An nói.
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, khi đánh giá, đặc biệt là các uỷ ban khi thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện lời hứa cần phải đánh giá khách quan. Các đại biểu Quốc hội cũng phải thẳng thắn, không nên có sự nể nang.
"Chúng ta nể nang trong tình cảm, cuộc sống thì được, nhưng trong nhiệm vụ, trong công tác phải rất minh bạch, rõ ràng", ông An nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu An, với cách thức hiện nay, với tinh thần của Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ hoàn thành được nhiệm vụ, có những nội dung không hoàn thành được thì phải đánh giá khách quan để tìm ra nguyên nhân. Đây là điều các đại biểu trăn trở để làm sao cùng các Bộ trưởng, trưởng ngành, cùng với Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, một trong những điều quan trọng của công tác cán bộ là phải đánh giá được cán bộ.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm để xem xét lại uy tín, năng lực, trách nhiệm của cán bộ được giao. Đây là một khâu trong việc đánh giá cán bộ, theo tôi là câu chuyện bình thường thôi", ông Công nói.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, mỗi nhiệm kỳ một lần, chúng ta phải xem xét lại năng lực của cán bộ để đánh giá trách nhiệm. Qua đó, cán bộ biết được uy tín của mình trong bộ máy và áp dụng tự soi, tự sửa để làm sao làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc do tổ chức phân công, do Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm.
Ông Công cho biết, những người né tránh trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ sẽ được thể hiện qua lá phiếu đánh giá tín nhiệm của mình. Trong trường hợp tín nhiệm thấp thì cán bộ đó phải xem xét lại về mặt tổ chức, có thể phải từ chức hoặc xem xét để bỏ phiếu tín nhiệm trong trường hợp người đó giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Công bày tỏ hy vọng, lá phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện được bản chất, năng lực, trình độ của cán bộ. Qua đó, các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm sẽ nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình, qua đó tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình hơn nữa.
"Đối với những người tín nhiệm cao, đương nhiên càng phải phát huy hơn nữa năng lực trình độ, trách nhiệm của mình, nhất là "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá", điều này Đảng đang kêu gọi để thúc đẩy phát triển xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn", ông Công cho hay.