Theo người dân địa phương, nghề điêu khắc làm đá mỹ nghệ nơi nây có từ lâu đời. Nghề này trước đây người dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng vào đây làm và những người dân nơi đây theo làm rồi học dần nghề.
Người dân địa phương cho hay, ban đầu, số người biết nghề làm đá không nhiều. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá.
Ông Lê Song- Tổ trưởng tổ hợp tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 cho biết, nghề này đã có từ lâu và là công việc chính của người dân nơi đây. Bà con ngày xưa chỉ biết làm ruộng, rẫy, sau đó làm nghề đá chả. Trải qua thời gian, bà con nơi đây mới học tập và làm nghề đá mỹ nghệ và nhờ vào nghề này mà nhiều hộ vùng nông thôn thoát nghèo có tiền nuôi con cái ăn học.
Ông Lê Song cho biết thêm, tổ hợp tác ban đầu chỉ vỏn vẹn có 18 thành viên và đến nay số lượng rất đông, đã có 30 thành viên theo nghề làm đá mỹ nghệ. Các thế hệ đi trước chỉ dậy, hướng dẫn kinh nghiệm cho các thế hệ đi sau cứ thế mà nhiều thợ làm chuyên nghiệp đã ra lò.
Nghề làm chế tác đá mỹ nghệ có rất nhiều công đoạn, ban đầu chọn nguyên liệu đá, những viên đá đẹp có chất lượng sẽ ra những sản phẩm có chất lượng.
Công đoạn tiếp theo đánh bóng, tạo hình hoặc dòng chữ cho khách hàng. Tất cả các công đoạn đều thực hiện hết sức cẩn thận, nếu làm hư một công đoạn coi như sản phẩm đó bỏ không.
Video làng nghề làm đá mỹ nghệ
Hiện nay, làng nghề đã bắt kịp với xu thế phát triển. Năm 2015, địa phương đã thành lập Tổ liên kết sản xuất đá mỹ nghệ Phong Phú 1 và mở trang web riêng để giới thiệu sản phẩm.
Trải qua thời gian, sản phẩm đá mỹ nghệ phường Ninh Giang được làm ra ngày càng đa dạng hơn như bộ bàn đá, đèn đá, bồn tắm, lục bình, tượng phật, đàn đá và nhiều vật dụng hàng ngày. Nguyên liệu đá khai thác tại địa bàn có cấu trúc cứng nên làm ra sản phẩm tròn, bền vững không bị vỡ được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao thì người dân phải thu mua nguyên liệu đá từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện sản phẩm làng nghề được tiêu thụ ổn định, thu nhập của thợ lành nghề dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, nghề làm đá mỹ nghệ đã thu hút đông đảo các lực lượng lao động vùng nông thôn, nhiều hộ tại địa phương thoát nghèo từ nghề truyền thống này.
Đến nay, có gần 100 hộ theo nghề làm chế tác đá mỹ nghệ, hàng năm các hộ dân được quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp hỗ trợ nguồn vốn để phát triển làng nghề.
Được biết, năm 2016, làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống.