Vì sao căn cứ Mỹ không được cảnh báo trước trong trận Trân Châu Cảng?
PV
25/06/2023 08:30 GMT+7
Sáng ngày 7/12/1941, Nhật Bản thực hiện cuộc tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng (Hawaii). Sự kiện này khiến Mỹ tổn thất nặng nề. Việc căn cứ của Mỹ không được cảnh báo trước về cuộc tấn công của Nhật Bản gây tò mò lớn.
Cuộc tấn công của hải quân và không quân Nhật Bản nhằm vào căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng (Hawaii) bắt đầu lúc 7h48 sáng ngày 7/12/1941. Theo một số tài liệu, 353 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay thả thuỷ lôi của Nhật Bản đã xuất kích từ 6 tàu sân bay.
Nhật Bản chia làm hai đợt tấn công nhằm vào Trân Châu Cảng. Sau 90 phút dội bom, lực lượng Nhật Bản đã khiến Mỹ tổn thất nặng nề với 4 thiết giáp hạm bị đánh chìm, làm hư hại 4 thiết giáp khác, phá hủy hoặc làm hư hại hơn 300 máy bay.
Sự kiện này khiến khoảng 2.400 người Mỹ tại Trân Châu Cảng thiệt mạng và gần 1.200 người khác bị thương. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ tổn thất 29 máy bay, 4 tàu ngầm và 64 người chết. Đây được xem là thắng lợi lớn của Nhật Bản.
Liên quan đến sự kiện Trân Châu Cảng, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao căn cứ Mỹ tại Hawaii lại không được cảnh báo trước về cuộc tấn công của Nhật Bản? Trước bí ẩn này, giới chuyên gia đã có những lý giải đáng chú ý.
Theo các nhà nghiên cứu, Hải quân Mỹ đã biến Trân Châu Cảng thành căn cứ chính cho Hạm đội Thái Bình Dương từ trước tháng 5/1940. Giới chức trách và tình báo Mỹ không nghĩ rằng Nhật Bản sẽ đơn phương tấn công Hawaii.
Giáo sư Gordon Prange thuộc trường đại học Maryland từng nhận định chính phủ Mỹ đã bỏ qua những cảnh báo của một số điệp viên cho thấy Nhật Bản hiếu chiến và sẽ có thể tấn công căn cứ của Mỹ.
Hai nhà sử học Jonathan Parshall và J. Michael Wenger cho rằng, sở dĩ Mỹ bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Nhật Bản là giới chức Washington đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Họ không biết rằng, Nhật Bản sở hữu hàng trăm máy bay, nhiều tàu sân bay cùng những vũ khí "khủng" có khả năng sát thương cao.
Tiếp đến, Mỹ không hề hay biết Nhật Bản đã bí mật lên kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng trong nhiều tháng. Mục đích của Nhật là nhằm tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương và giảm nhuệ khí của Hải quân Mỹ. Điều này có nghĩa Nhật Bản đã làm tốt công tác bảo mật thông tin.
Thông qua các tin tình báo mà các điệp viên thu thập được, quan chức Nhật Bản quyết định lựa chọn sáng Chủ nhật ngày 7/12/1941 là thời điểm diễn ra cuộc tấn công. Họ chọn mốc thời gian này là vì vào sáng Chủ nhật hàng tuần, nhiều lính Mỹ sẽ đến nhà thờ. Theo đó, họ sẽ mất thời gian để chạy từ nhà thờ đến vị trí chiến đấu, thực hiện các biện pháp phòng thủ, tấn công đáp trả lực lượng Nhật Bản.
Thêm nữa, vào cuối tuần, một số binh sĩ Mỹ thường nghỉ ngơi, thư giãn và ít cảnh giác, đề phòng hơn những ngày khác. Tính toán này của Nhật Bản được thực tế chứng minh là chính xác. Vào thời điểm diễn ra đợt tấn công đầu tiên của Nhật Bản, nhiều binh sĩ Mỹ đang ở nhà thờ hoặc vẫn còn ngủ. Vậy nên, lực lượng Mỹ thực hiện cuộc phản công chậm hơn so với bình thường nên chịu tổn thất nghiêm trọng.