Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi khủng bố, hay nói cụ thể là tội phạm khủng bố có căn nguyên lịch sử, là mặt trái của xã hội loài người, tất cả các quốc gia trên thế giới đều ban hành chế tài xử lý nghiêm khắc với loại tội phạm này. Loại tội phạm này đã được quốc tế và Việt Nam cảnh báo và điều chỉnh trong hàng loạt quy phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng. Còn hành vi tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Các hành vi cụ thể như sau: Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác; Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố.
Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố.
Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố; Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo luật sư Khuyên, về chế tài xử lý, pháp luật quy định, người nào có hành vi các hành vi liên quan đến khủng bố sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự năm 2015, khung phạt cao nhất lên đến tử hình.
Tội Khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình; Tội Tài trợ khủng bố quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự năm 2015.
Riêng tội Tài trợ khủng bố, pháp luật quy định, người có hành vi tài trợ khủng bố thì khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù, còn pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.