Ở xứ sở đạo Hồi có rất nhiều luật lệ khe khắt mà mình không thể biết hết, biết đâu có điều gì đó sơ suất. Ra khỏi phòng họp đến gặp ông Chánh án, tôi mới vỡ lẽ rằng ông muốn tìm gặp một người Việt Nam mà trong hội thảo này tôi là người duy nhất.
Sau khi nghe ông diễn giải tôi hiểu rằng ông đang có thiện chí muốn đề xuất một việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chuyện là thế này: trước đó ít ngày hải quân Brunei bắt giữ 11 tàu cá của Việt Nam đánh bắt trong vùng biển của nước bạn. Theo luật của họ, các thuyền cá này phải nộp một khoản tiền không nhỏ và toàn bộ số thuyền cùng với ngư cụ sẽ bị tịch thu đem thiêu huỷ. Ông Chánh án là người Ấn Độ rất thiện cảm với Việt Nam và có thiện ý muốn xử nhẹ, cố gắng giữ lại thuyền bè cho ngư dân.
Để làm được điều này cần có một công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mà khi đó chúng ta chưa có đại sứ quán ở Bruney (thời điểm nước ta chưa gia nhập ASEAN). Khi được đề nghị thông báo yêu cầu của bạn với Bộ Ngoại giao, tôi đã nói rằng đây là việc quá sức của tôi. Thế nhưng trước thịnh tình của ông Chánh án, tôi như có điều gì đó thôi thúc trong lòng.
Vậy nên sau cuộc gặp, tôi đã cố lục tìm trong trí nhớ xem có phương cách nào không. May sao trong cuốn sổ điện thoại của tôi đem theo có số của ông Vũ Khoan (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).
Đầu giờ chiều tôi đã gọi cho ông và thật sung sướng khi nghe từ đầu giây bên kia một giọng nói điềm đạm nhẹ nhàng: "tôi Vũ Khoan nghe đây". Vui mừng khôn xiết tôi kể ông nghe toàn bộ cáu chuyện gặp ông Chánh án. Ông Vũ Khoan chăm chú lắng nghe rồi hỏi lại rất cặn kẽ những thông tin về 11 chiếc tàu cá mà tôi đã được cung cấp. Ông còn cẩn thận hỏi số điện thoại để có thể liên lạc lại.
Cuối phiên họp chiều tôi lại được thư ký hội thảo báo có điện thoại từ Hà Nội. Người gọi không ai khác chính là ông Vũ Khoan. Ông cho tôi biết đó là 11 tàu cá của Bình Định đã mất tích từ mấy tuần nay và ông đã chỉ đạo cho Đại sứ quán của ta ở Indonesia xử lý ổn thỏa mọi việc. Sau này tôi được biết 11 tàu cá cùng 74 thuyền viên đã không phải chịu hình phạt nào và được toàn vẹn trở về nước. Tất cả mọi việc được giải quyết chỉ trong mấy giờ.
Sau này mỗi lần gặp lại nhau tôi và ông Vũ Khoan vẫn thường nhắc lại câu chuyện này. Không chắc những ngư dân hạnh phúc ấy đã biết được đằng sau sự "may mắn" đến ngỡ ngàng của họ có những tình cảm ấm áp của người bạn Ấn Độ và đặc biệt là tấm lòng thương dân, đầy trách nhiệm và vô cùng chuyên nghiệp của một Thứ trưởng nhân hậu, trí tuệ.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan sinh năm 1937, quê Phú Xuyên, Hà Nội, sau một thời gian lâm bệnh nặng ông từ trần hồi 7 giờ 5 phút, ngày 21/6/2023 (tức ngày 4 tháng 5 năm Quý Mão) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban lễ tang Nhà nước gồm 26 người, do ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Linh cữu nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng tổ chức vào hồi 8 giờ đến 13 giờ 30 phút, thứ Ba, ngày 27/6/2023 (tức ngày 10 tháng 5 năm Quý Mão).
Lễ truy điệu vào hồi 13 giờ 30 phút, thứ Ba, ngày 27/6/2023.
Lễ an táng vào hồi 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.