Ngày 26/6, nguồn tin của PV Dân Việt cho biết, hiện nay cơ quan công an đã xác định vụ việc ẩu đả, đánh nhau tại công trình chợ truyền thống Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích. Cơ quan điều tra cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc qua Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Theo kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y, tỷ lệ thương tật của anh Vinh là 10%, còn anh Cườm là 11%. Trong đó, tỷ lệ bị tổn thương nhiều nhất của hai nạn nhân này là bị chấn động não với mức 9% mỗi người.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Sử dụng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ, có tổ chức… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 lại quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm: "Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này".
Tức là trong trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác từ 11% đến dưới 30% nhưng có một trong các hành vi như: Dùng hung khí nguy hiểm, có tổ chức, thuê gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do được thuê, có tính chất côn đồ thì sẽ bị xem xét, xử phạt ở khung hình phạt từ 2 năm đến 6 năm.
Trước đó, trong quá trình điều tra, Công an huyện Phú Lộc thông tin, cơ quan chức năng xác nhận, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do chủ đầu tư (Hợp tác xã đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt - Lăng Cô) và nhà thầu (Công ty TNHH MTV Cường Lộc Thịnh) có khúc mắc với nhau trong việc giải quyết vấn đề về tiền bạc. Chủ đầu tư chưa chi trả tiền cho nhà thầu dẫn đến mâu thuẫn, đỉnh điểm là sự việc ngày 9/5 vừa qua. Số tiền chưa chi trả là khoảng 9 tỷ đồng.
Nguồn tin cho biết thêm, trong quá trình ông Cườm và ông Vinh bị đánh, ngoài dùng tay, dùng mũ, dữ liệu thu thập được đã thể hiện rõ có người của phía Nam Việt Lăng Cô dùng gậy đánh vào đầu ông Cườm. Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào tính chất vụ việc, vào hành vi các bên để xử lý.
Về hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan chức năng cho biết các yếu tố cấu thành gồm nạn nhân bị xâm phạm về thân thể, sức khỏe tạo nên thương tích mà có sử dụng hung khí, có yêu cầu của bị hại là phải xử lý.
Trong văn bản phát đi sau khi xảy ra sự việc, Hợp tác xã đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt – Lăng Cô cho rằng, Công ty TNHH MTV Cường Lộc Thịnh đã hết trách nhiệm tại dự án. Chủ đầu tư chỉ cho phép những người có thẻ ra vào, có trong danh sách gửi ban quản lý dự án và bảo vệ mới được vào công trường.
Tuy vậy, phía nhà thầu Cường Lộc Thịnh cho biết do chủ đầu tư trây ỳ không thanh toán tiền cho nhà thầu, ngoài ra nhiều máy móc tài sản của nhà thầu vẫn còn ở công trường nên phải cử người trông giữ. Trong đơn cầu cứu và đề nghị khởi tố gửi cơ quan chức năng, Công ty TNHH MTV Cường Lộc Thịnh cho biết, sau nhiều lần trao đổi, ngày 27/9/2022, hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng, nghiệm thu toàn bộ dự án và thanh quyết toán. Hai bên đồng ý ký vào biên bản nghiệm thu với khối lượng sau nghiệm thu gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư có yêu cầu làm lại giá phụ lục hợp đồng trước đó đã ký. Nhà thầu Công ty Cường Lộc Thịnh cho rằng yêu cầu này là không có cơ sở và không đồng ý.
Liên quan vụ việc, ông Vương Đình Tuân, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết đã nắm được nội dung thông qua báo cáo từ Công an thị trấn.
Ông Tuân cho biết thêm, trước đó vào cuối năm 2022, chủ đầu tư không thanh toán tiền cho nhà thầu, dẫn đến nhà thầu không có tiền trả tiền nhân công. Do vậy, các công nhân (trong đó nhiều công nhân là người địa phương) đã căng băng rôn quanh dự án yêu cầu được thanh toán tiền.
"Địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động hai bên thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng, hoặc kiện ra tòa chứ không nên có các hành vi khiêu khích", ông Tuân cho biết.
Ngoài việc mâu thuẫn với nhà thầu thi công, lãnh đạo thị trấn Lăng Cô cho biết, quá trình triển khai dự án chủ đầu tư còn có mâu thuẫn với các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng. Cá biệt có một hộ dân mâu thuẫn rất dai dẳng, địa phương phải đi "mòn cả lốp xe" mới vận động được.
Ông Tuân cho biết, có hộ dân khác mâu thuẫn không kém đó là hộ ông T.H, khi hộ này dứt khoát không nhận tiền dù đồng ý bàn giao mặt bằng. Vụ việc khá phức tạp, Công an thị trấn phải nhiều lần xuống làm việc, hoặc mời lên trụ sở. Vụ việc rất dai dẳng, ông H chỉ chịu nhận tiền cách đây 1 tháng.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ông Phạm Cườm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cường Lộc Thịnh bị một nhóm đối tượng đánh nhập viện.
Theo ông Cườm, ngày 9/5, ông cùng ông Nguyễn Hữu Vinh (SN 1973, lái xe của công ty) từ TP.Đà Nẵng ra thị huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế để giải quyết những tồn tại của hợp đồng thi công xây dựng giữa Hợp tác xã đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt - Lăng Cô và Công ty TNHH MTV Cường Lộc Thịnh.
Lúc 14h49 cùng ngày, khi ông và ông Vinh đang vào công trình tại dự án chợ Lăng Cô thì bị hành hung. Bị đánh, ông Cườm và ông Vinh bỏ chạy thoát thân sau đó báo sự việc đến Công an huyện Phú Lộc.
Dự án chợ truyền thống Lăng Cô được Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 15/11/2019.
Dự án này thực hiện trên diện tích đất gần 15.000m2, tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng. Dự án được thi công vào tháng 1/2021, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 4 năm 2022, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, chưa hẹn ngày hoàn thành.
Trước đó, người dân địa phương từng bức xúc phản ánh tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của việc thi công dự án này. Cụ thể, chủ đầu tư cho triển khai thi công nhiều hạng mục trước khi làm hệ thống cống thoát nước, khiến các khu vực xung quanh dự án bị ngập.