Trong vài thập niên gần đây vùng Viễn Đông của Nga nổi lên như là một "Lãnh địa tội phạm" mới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tội phạm có tổ chức đã trở thành một vấn nạn ở Vladivostok, hải cảng chính của khu vực, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Trong những năm gần đây đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng Hội Tam Hoàng Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Một lượng lớn "tiền bẩn" đã được đầu tư vào các thương vụ khai thác và đánh bắt trái phép, trong đó chủ yếu là gỗ và cá, sau đó chúng được nhập lậu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Bộ trưởng Nội vụ Nga Boris Gryzlov cho biết, khu vực Viễn Đông có tỷ lệ tội phạm trên đầu người cao nhất cả nước. Tuy nhiên, các đường phố ở Vladivostok ngày nay dường như an toàn và yên tĩnh hơn nhiều so với một thập niên trước, khi chúng còn nằm dưới sự kiểm soát của các thủ lĩnh băng đảng địa phương. Khi đó các hoạt động như buôn lậu, cờ bạc và mại dâm rất phổ biến và các vụ bắt cóc, xả súng, đánh bom xe thường xuyên xảy ra.
Sự khác biệt lớn nhất của ngày hôm nay là hiện tượng biến mất của các "bố già" Nga, những tên tội phạm "hào hoa" và dày dạn kinh nghiệm, thay vào đó là sự xuất hiện của các thành viên Hội Tam Hoàng. Họ có hệ thống tổ chức tốt hơn, kín đáo hơn và họ coi tình trạng bất ổn dân sự là mối đe dọa đối với các hoạt động của những doanh nghiệp tội phạm của họ.
Các băng đảng người Hoa kiểm soát nhiều sòng bạc trong khu vực, nhiều nhà hàng Trung Quốc, và thậm chí một số khách sạn và nhà hàng của Nga. Nhiều tên côn đồ người bản xứ đã đầu quân để làm việc cho các tổ chức tội phạm người Hoa, làm điều phối viên cho các giao dịch tại địa phương hoặc vệ sĩ trong các sòng bạc. Bản chất của mối quan hệ giữa những tên tội phạm người bản địa và những ông trùm người Hoa không rõ ràng, nhưng có vẻ như chúng đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong những lĩnh vực này .
Duy nhất một lĩnh vực mà các băng đảng người Trung Quốc không thể thống trị được là việc là buôn bán ma túy tại địa phương, hoạt động này vẫn còn nằm trong tay của người Tajik, Kazakhstan, Chechnya và những tên tội phạm Trung Á khác, những kẻ có nguồn cung cấp heroin từ Afghanistan. Theo cảnh sát địa phương, chỉ có ephedrine và một lượng nhỏ heroin ở Đông Nam Á được buôn lậu vào khu vực này. Nhiều thủ lĩnh của các băng nhóm tội phạm người Nga bản địa từng thống trị lĩnh vực này hầu như đã bị tiêu diệt trong các cuộc chiến giữa các băng đảng, hoặc "về hưu" rồi chết trong những hoàn cảnh bí ẩn.
Ông chủ lớn người gốc Nga cuối cùng của thành phố Vladivostok, Evgeny Petrovich Vasin, có biệt danh là "Dzhem" (Vasin-Mứt) đã chết vì một cơn đau tim vào tháng 10-2001. Trớ trêu thay, chính Vasin là người đầu tiên, đã đưa Hội Tam Hoàng đến Vladivostok, nhằm chống lại các đối thủ đến từ vùng châu Âu của Nga và từ Trung Á sau khi Liên Xô sụp đổ.
Vào giữa những năm 1990, Vasin đã có một số chuyến đi đến Trung Quốc. Đối tác đầu tiên của ông ta, người sau này trở thành thủ lĩnh chính của tổ chức tội phạm ở Vladivostok, là một người đàn ông Trung Quốc được gọi là "Lao Da" hay "Big Brother". Lao Da đã kiểm soát phần lớn công việc của Vasin, sau khi Vasin chết, có vẻ như Lao Da đã âm thầm kiểm soát phần còn lại.
Vladivostok cho đến những năm 1990 vẫn là cảng lớn duy nhất ở Thái Bình Dương không có cộng đồng người Hoa. Hiện nay, các thương gia Trung Quốc thường xuyên qua lại biên giới bán quần áo, dụng cụ, đồ chơi, đồng hồ và các mặt hàng tiêu dùng khác với giá rẻ trong một khu chợ mới rộng lớn nằm ở các khu phố phía Đông của thành phố. Đối mặt với định kiến chủng tộc và các mối đe dọa bị trục xuất, nhiều người chọn - hoặc bị ép buộc - làm việc cho các nhóm người gốc Hoa có liên hệ với Hội Tam Hoàng.
Sự gia tăng của tội phạm có tổ chức và tình trạnh nhập cư bất hợp pháp đã làm dấy lên thái độ kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc, ngay cả đối với những doanh nhân bình thường, những người trên thực tế là nạn nhân của Hội Tam Hoàng. Việc nhận thức về mối nguy cơ thực tế có thể xảy ra đóng một vai trò quan trọng trong thái độ của người dân bản địa. Mặc dù số lượng người nhập cư Trung Quốc chỉ chiếm 3% dân số, nhiều cư dân địa phương vẫn tin rằng trong một hoặc hai thập kỷ tới, con số này có thể sẽ cao hơn nhiều.
Vùng Viễn Đông đất đai rộng mênh mông và cơ hội làm ăn rất dồi dào, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế ngầm đang phát triển mạnh. Việc thực thi luật pháp và giảm thiểu tham nhũng trong lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương chưa bao giờ là dễ dàng ở vùng đất xa xôi này của nước Nga. Trong số 151 vụ án tham nhũng được phát hiện vào giai đoạn 2001- 2002, chỉ có 20 vụ được đưa ra xét xử - và cũng chỉ có một số rất ít những nghi phạm cuối cùng phải nhận án tù.
Hội Tam Hoàng ban đầu là Thiên Địa Hội (hay còn gọi là Hồng Hoa Hội). Tổ chức này thực chất ban đầu là một phong trào "phản Thanh phục Minh" của các lực lượng nổi dậy chống lại ách cai trị của tộc người Mãn Châu thiểu số dưới thời nhà Thanh. Khi đó, người Hán coi người Mãn Châu là những kẻ xâm lược nước ngoài.
Tôn chỉ hoạt động của Hội Tam Hoàng thời đó hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Trong thời kỳ sơ khai, Hội Tam Hoàng với 3 trụ cột hoạt động chủ yếu ở các khu vực Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Đông nên biểu tượng của hội này là huy hiệu hình tam giác. Các thành viên Hội Tam Hoàng thường xăm trổ đầy người, trong đó chủ yếu là hình thanh kiếm và Quan Vân Trường.
Năm 1841, nhà Thanh nhượng Hồng Kông cho Anh. Với mục tiêu biến Hồng Kông thành một thương cảng giao thương tự do, người Anh bắt đầu công cuộc khai hoang ở đây, vì vậy cần một lượng lớn người lao động. Thời điểm ấy, ở Trung Quốc đại lục, thiên tai khắp nơi khiến người dân lâm vào cảnh đói kém, thất nghiệp.
Những người này di cư sang Hồng Kông kiếm sống và làm việc cho đế quốc Anh. Nhưng họ cũng cần một tổ chức đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình, vì vậy gia nhập Hội Tam Hoàng để mưu cầu sự "bảo vệ" và giúp đỡ. Thời kỳ đầu cai quản Hồng Kông, do lượng người di cư từ đại lục sang rất lớn nên người Anh muốn cộng đồng người Hoa tự chủ, tự trị bởi chính quyền không thể cung cấp được điện, nước và các dịch vụ công cộng khác…
Hội Tam Hoàng ngày càng thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội Hồng Kông và bắt đầu chuyển từ việc thu phí thành viên thành tống tiền. Dùng bạo lực để đe nạt người dân nộp tiền bảo vệ nhằm đầu tư vào kỹ viện và sòng bạc. Lúc này, chính quyền Hồng Kông bắt đầu nhận ra sự lũng đoạn của Hội Tam Hoàng và những ảnh hưởng tiêu cực vào đời sống xã hội, tuy nhiên không thể quét sạch được hang ổ của chúng vì lực lượng Cảnh sát Hồng Kông quá mỏng và tham nhũng tràn lan, thậm chí cảnh sát nhận tiền để bảo kê cho các băng nhóm Hội Tam Hoàng lộng hành. Ngược lại, Hội Tam Hoàng chi phối nhiều lĩnh vực của xã hội, tác động trực tiếp tới công việc mưu sinh của nhiều người dân nên họ không chủ động phối hợp với cảnh sát.
Tháng 10-1956, tại Cửu Long và một số khu vực khác xảy ra bạo loạn, một số thành viên của Hội Tam Hoàng cũng tham gia cướp tài sản của dân. Mặc dù nguyên nhân bạo động được giải thích là chính quyền Quốc dân đảng tại Đài Loan xúi giục, nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn cho rằng Hội Tam Hoàng kích động dân chúng.
Chính phủ Anh và chính quyền Hồng Kông xác định Hội Tam Hoàng là đối tượng uy hiếp đến trị an Hồng Kông. Vì vậy, một chiến dịch trấn áp Hội Tam Hoàng trên diện rộng được tiến hành. Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng, bảo kê cho tội phạm trong lực lượng Cảnh sát Hồng Kông khi đó đã khiến cho chiến dịch truy quét Hội Tam Hoàng không đạt kết quả như mong đợi.
Năm 1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, Hội Tam Hoàng đã nhanh chân di chuyển địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ, Hà Lan… Ngày nay, Hội Tam Hoàng được biết tới như là một băng nhóm xã hội đen người Hoa hoạt động ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và những quốc gia có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Malaysia, Singapore, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Anh...
Trong số đó, băng đảng 14K có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Hồng Kông và trên thế giới. Từ những năm 70, 14K bắt đầu mở rộng thế lực ra các nước khu vực Âu Mỹ và Đông Nam Á. Trong hoạt động buôn bán ma túy ở Đông Nam Á, Nam Phi và Hà Lan, 14K là lực lượng chủ đạo thao túng thị trường. So với các băng Tam Hoàng khác, 14K là một trong những băng nhóm lớn nhất và bạo lực nhất ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, sự quản lý của 14K khá lỏng lẻo, nội bộ phân chia thành quá nhiều nhóm nhỏ và chiếm giữ những khu vực khác nhau khiến cho mâu thuẫn thường xảy ra. Trên thực tế, 14K vẫn là một băng nhóm có thế lực và hoạt động phạm pháp diễn ra mang tính toàn cầu. Điều này khiến cuộc chiến chống các băng nhóm xã hội đen còn dài lâu và tồn tại nhiều vấn đề phức tạp.
Sự thay đổi của tội phạm có tổ chức ở châu Á chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc đến an ninh của khu vực. Thời của những tên xã hội đen đến từ Hồng Kông và Đài Loan với khẩu súng giắt trong người và khuôn mặt đầy sẹo đã qua lâu. Một thế hệ tội phạm hoàn toàn mới, những kẻ đội lốt các doanh nhân với những bộ vét đắt tiền đang xuất hiện. Các giám đốc điều hành của các tập đoàn tội phạm luôn sở hữu một đầu óc thực tế và những mối quan hệ cao cấp.
Đây là loại tội phạm có tổ chức kiểu mới đang xuất hiện ở Đông Á và Đông Nam Á. Kỷ nguyên lỗi thời của Hội Tam Hoàng đã trôi qua, và sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi các băng nhóm mới này ưu tiên thiết lập mối quan hệ với vùng Viễn Đông thuộc Nga hay ở Đông Nam Á hơn là ở Hồng Kông và Đài Loan. Các băng đảng mới này cũng ra sức tận dụng tình hình bất ổn hoặc các khó khăn kinh tế tại một số quốc gia để mở rộng hoạt động khiến cho việc triệt phá các băng đảng ngày càng khó khăn.