Sáng 28/6, hơn một triệu thí sinh cả nước thi môn Văn trong 120 phút, cũng là môn tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Hà Nội - địa phương có số thí sinh dự thi đông nhất cả nước với 102.000, sáng nay thời tiết mát mẻ, có mưa nặng hạt. Từ hơn 6h, nhiều sĩ tử đến trường thi với tâm trạng thoải mái.
Sáng nay, cô Hoàng Thu Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 song ngữ 2, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại lặng lẽ đến điểm thi cổ vũ tinh thần cho những học trò của mình.
Cô giáo 14 năm lặng lẽ đứng cổng trường tiếp sức cho học trò thi tốt nghiệp THPT. Clip: Gia Khiêm
Cô Bình đứng dưới mưa ngay cổng Trường THPT Lương Thế Vinh từ lúc hơn 5 giờ sáng. Thấy học trò cô vẫy tay chào, giúp học sinh của mình kiểm tra lại một lần nữa các giấy tờ, cũng những cái ôm, bắt tay và lời động viên thi tốt. Thấy thí sinh mặc đồng phục của trường ở lớp khác cô liền chào: "Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm à em, cố gắng thi tốt nhé". Cùng với đó là nụ cười, lời cảm ơn của học trò.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, cô Bình với nụ cười hiền dịu thường trực trên khuôn mặt cho biết, kể từ khi giảng dạy đến nay, suốt 14 năm qua mỗi khi đến mùa thi cô lại đến các điểm trường có học trò của mình thi cổ vũ, động viên tinh thần các em.
"Tôi khá hồi hộp nhưng hoàn toàn tin tưởng vào các con. Lớp của tôi chủ nhiệm có 25 em. Năm nay tôi không chỉ đến đây cổ vũ cho học sinh lớp mình chủ nhiệm mà muốn động viên tới học sinh 2 tôi lớp giảng dạy và học sinh của trường", cô Bình nói.
Cô Bình bày tỏ, ngoài gia đình thì học sinh là ưu tiên thứ 2 trong cuộc sống của cô. Chính vì vậy cô hầu như đặt chân hết tất cả điểm thi có học sinh của lớp và trường thi trên địa bàn quận Cầu Giấy. Chính tình yêu dành cho học trò nên cô nắm rõ sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, món ăn ưa thích tất cả học sinh lớp mình chủ nhiệm.
"Năm nay lớp của tôi đã có 6 chuyến đi trải nghiệm, thi tốt nghiệp THPT lần này xong cả lớp cô trò sẽ cùng đi Quảng Ninh xả stress sau những ngày ôn luyện căng thẳng. Những chuyến đi ấy giúp cô trò gần gũi, thân tình và hiểu nhau nhiều hơn, cảm xúc của tôi mỗi mùa chia tay khó tả lắm", cô Bình tâm sự.
Trong buổi sáng đầu tiên của kỳ thi THPT này, cô Bình sẽ đến điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh sau đó đến điểm thi Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam. Buổi chiều trước khi thi môn Toán cô đến điểm thi Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Khi học sinh thi hết môn Toán cô lại đến địa điểm khác.
"Trong 2 ngày thi của các con chắc chắn tôi sẽ đi đến hết 8 điểm thi có học sinh của lớp và trường dự thi. Tôi đến điểm thi này đầu tiên vì ở đây có nhiều học sinh của lớp nhất và có số học sinh cần được động viên nhiều nhất, hỗ trợ tâm lý, có thêm động viên của cô chắc chắn đó là sự ấm áp để các em hoàn thành tốt nhất bài thi của mình. Tôi nắm rõ từng học trò thi ở điểm nào. Nếu không thấy tôi sẽ gọi điện ngay cho phụ huynh để hỏi về tình hình của con. Khi các con vào lớp ổn định thi, trống đánh vào giờ làm bài tôi mới rời đi", cô Bình bày tỏ.
Trong kỳ thi này, cô Bình gửi lời chúc các thí sinh bình tĩnh, tự tin, làm bài hết sức khả năng thì sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Cô cũng chia sẻ, bí quyết dạy môn Văn của mình với học sinh đó là giúp học trò ôn đầy đủ toàn diện, bài tủ chính là những kiến thức mình học được.
Cô Bình luôn giữ nguyên tắc kết nối với phụ huynh mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào mọi người cần. Với lớp cô Bình, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên qua các cuộc gọi, tin nhắn, nhóm Zalo. Nếu đang trong giờ dạy, cô xin phép không nghe điện. Nhưng ngay khi hết giờ, cô sẽ gọi lại cho phụ huynh.
Cô Bình cho biết không chỉ cô mà rất nhiều giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tuân thủ những nguyên tắc này. Chính cô cũng rút ra những bài học trên từ đồng nghiệp đi trước.
Cô kể hàng tuần, hàng tháng, trường đều tổ chức các buổi họp rèn chuyên môn, học chuyên đề. Ở đó, giáo viên được chia sẻ những câu chuyện của bản thân để mọi người cùng lắng nghe, học hỏi hay góp ý.
"Ôm cái nào. 9 điểm nhé! Bình tĩnh, làm bài tốt nhé con!
Bỏ áo khoác ở ngoài con ơi, không được mang áo khoác vào phòng thi đâu con...
Nhanh lên con! Nhanh nhanh lên các con ơi! Bảo 6 giờ 30 cơ mà, bây giờ quá 7 phút rồi. Rảo bước nhanh chân lên các con ơi...
Trống lượt 2 rồi, nhanh chân lên con ơi. Sao cứ đủng đỉnh thế nhỉ...".
Tiếng cô Nguyễn Thị Bảo Ngọc và Ngô Trang (giáo viên Trường THPT Bãi Cháy, Quảng Ninh) liên tục cất lên phía bên ngoài cổng Trường THPT Bãi Cháy, tổ 4, khu 7, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (sáng 28/6) - đây là 1 trong 37 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh.
"Sáng nay, hơn 5 giờ sáng tôi đã phải nhắn vào nhóm phụ huynh trên zalo để gọi các con dậy chuẩn bị đi thi cho đúng giờ rồi. Vậy mà….", cuộc trò chuyện với cô giáo Trang bị gián đoạn vì "một học sinh trong lớp cô chủ nhiệm được thông báo chưa đến phòng thi".
Khuôn mặt hiện rõ vẻ lo lắng, vội lấy điện thoại, vuốt tìm trong danh bạ số điện thoại phụ huynh. "Anh ơi, cổng trường đóng rồi mà mãi mới thấy cháu đến thi, may mà trước thời gian phát đề thi...". Dừng cuộc gọi, giọng cô trầm buồn bảo: "Phụ huynh nói không phải gia đình tự để cháu đến trường thi, gia đình sẽ rút kinh nghiệm".
"Cô giáo thì lo sốt vó, còn thí sinh thì cứ đủng đà đủng đỉnh. Lạ thế cơ chứ", giọng một phụ huynh ngao ngán chen vào.
Còn 10 phút nữa đến thời gian phát đề thi, phía bên trong cổng trường báo ra "các thí sinh đã đến đủ". Cánh cổng trường thi được khóa chặt. Cô Ngọc, cô Trang thở phào nhẹ nhõm, bước chân ra phía bên ngoài đợi.
Gần 120 phút làm bài thi môn Văn sắp xong, hai cô giáo lại cuốc bộ leo dốc dài đứng đợi bên ngoài cổng trường. Cánh cổng trường mở, các thí sinh thi xong bắt đầu ùa ra. Nhìn thấy cô Ngọc, cô Trang từ xa, các thí sinh trong màu áo trắng đồng phục nhà trường vội chạy đến ôm chầm lấy cô giáo đáng kính của mình, người khoe "trúng tủ", người bảo làm được hai, được ba tờ giấy thi…
"Nhìn chung, lực học của các học sinh trường THPT Bãi Cháy đều tốt nên chúng tôi không lo lắng nhiều, nhưng chỉ sợ tâm lý các con không vững khi lần đầu trải qua kỳ thi quan trọng này nên trong quá trình có sai sót, điểm không cao", cô Trang trải lòng.
Nói về việc có mặt ở đây, cô giáo dạy Văn có thâm niên 23 năm trong nghề chia sẻ, năm nay các cô không phải đi coi thi nên muốn đồng hành cùng các con một đoạn đường này nữa. "Việc của chúng tôi rất đơn giản là đứng ở đây, đón chào, bắt tay động viên để các con vững tâm vào phòng thi", cô Trang nói và cho biết đây là việc làm thường xuyên của các thầy, cô trong trường. Nếu năm nào các thầy cô không phải đi coi thi thì sẽ có mặt ở bên ngoài điểm thi động viên các con để các con phấn khởi.
Khi các thí sinh ra về, hai cô giáo cố nán lại đợi xem có học sinh nào chưa về không để nhắc nhở về sớm, chiều còn thi. "Mỗi tối, hơn 10 giờ chúng tôi sẽ nhắn tin vào nhóm Zalo nhắc các con đi ngủ sớm; hơn 5 giờ sáng hôm sau lại nhắn phụ huynh gọi các con dậy để chuẩn bị đi thi; chiều cũng nhắc sớm…
Làm nghề giáo viên tuy vất vả, phải thức đêm dậy sớm nhưng nhìn thấy các con ra khỏi phòng thi mặt tươi cười, hớn hở là mọi mệt nhọc bay biến cả. Chúng tôi chỉ mong các con bình tĩnh, tự tin, nhận đề thi thì đọc thật kỹ rồi mới làm bài", cô Ngọc nói và chia sẻ: "Đến thời điểm này, các con đã được trang bị kiến thức đầy đủ trong quá trình học và hướng dẫn ôn luyện trước kỳ thi nên bây giờ chỉ mong các con bình tĩnh, tự tin hái quả ngọt về cho các cô. Thành quả của các con là niềm vui của các thầy cô".