Chiều 28/6, UBND phường Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND TP.Thủ Đức, về vụ loạt ghế đá ở TP.HCM bị xịt sơn, quảng cáo cho các trang cá độ trái phép.
Đồng thời đơn vị này cũng phối hợp với công an phường Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trích xuất camera an ninh để truy tìm hai đối tượng phun sơn tên web cá độ bóng đá lên ghế đá.
Theo UBND Phường Long Thạnh Mỹ, sau kiểm tra, công an phường Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) phát hiện có 33 ghế đá của người dân bị xịt sơn quảng cáo cho các trang cá độ bóng đá trên các tuyến đường trên địa bàn như đường 13, 24, Nguyễn Văn Tăng và hẻm 200 Nguyễn Xiển bị xịt sơn đen nội dung quảng cáo "Hi88.com, cược giải trí, kiếm tiền tỷ". Hi88.com là trang web cá cược, nội dung quảng cáo nói trên là sai quy định, phản cảm.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, hàng loạt ghế đá tại các tuyến đường gần khu vực trường THPT Nguyễn Huệ (phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức - TP.TP.HCM) như đường số 13, đường 24, và nhiều con hẻm khác bị các đối tượng xịt sơn đen, quảng cáo cho các trang web cờ bạc, người dân bức xúc hôm 27/6.
Camera an ninh nhà người dân đã ghi lại được cảnh 2 thanh niên dung sơn để phun tên các trang web cá độ bóng đá lên ghế.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Thông Tinh Luật, thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, pháp luật hiện hành Việt Nam quy định, các hành vi cờ bạc, cá độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi trái pháp luật, bị cấm quảng cáo theo khoản 1, điều 7 Luật Quảng cáo 2012.
Tuỳ vào tính chất mức độ mà hành vi xịt sơn quảng cáo cho các trang cá độ trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Trường hợp có căn cứ cho rằng việc phun sơn nhằm mục đích quảng cáo trên các được phương tiện được phun, sơn thì căn cứ tại khoản 2 điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo hành thì vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định có thể bị xử phạt 70-100 triệu đồng. Ngoài ra chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xoá quảng cáo…
Trường hợp có căn cứ cho rằng việc phun sơn là trái phép vì chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền thì căn cứ tại điểm i khoản 2 điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.
Đối với hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.