Những ngày hè nóng nực, lũ trẻ chúng tôi đi đá bóng thường hay tạt qua Chợ Đuổi (nay là phố Cao Đạt, quận Hai Bà Trưng), nơi có đại lý bán đá cây. Từng khối đá cây hình thù giống như những viên bó vỉa bê tông dùng để lát vỉa hè hiện nay, ủ trong nhiều lớp bao tải, để ngay dưới nền đất.
Chị tiểu thương dùng chiếc dao răng cưa chuyên dụng cắt một miếng sắc lẹm, dài bằng gang bàn tay, sau đó chị cho miếng đá vào một bao tải dứa, lấy chày gỗ đập vỡ rồi bỏ vào túi nilon đưa cho chúng tôi. Thế là cả bọn thi nhau bốc từng cục đá nhỏ cho vào mồm nhai rau ráu, đứa thì lấy đá xoa lên mặt, lên người nhằm thỏa cơn nóng, cơn khát trong cơ thể.
Thời bao cấp, Hà Nội thường xuyên bị cúp điện nên không phải lúc nào cũng sẵn đá cây để mua, nhất là vào những ngày hè thời tiết oi bức, vì vậy, niềm mơ ước của nhiều gia đình là muốn sở hữu một chiếc tủ lạnh, đó cũng là ước ao cháy bỏng của cá nhân tôi.
Tủ lạnh vào thập niên 80 ở Hà Nội, chủ yếu có xuất xứ từ hai nguồn: Tủ lạnh cũ, là "hàng bãi" của Nhật hoặc tủ lạnh Saratov của Liên Xô do những người đi xuất khẩu lao động gửi về.
Với gia đình tôi khi ấy, không đủ khả năng tài chính để mua được tủ lạnh bãi có thương hiệu nổi tiếng như Hitachi, Sanyo của Nhật, nên chỉ dám mơ chiếc tủ lạnh Saratov, loại nhỏ 140 lít. Nhưng để sở hữu được chiếc tủ lạnh này cũng phải mất nhiều năm trời bố mẹ tích cóp mới mua được.
Cả xóm, chỉ có một vài nhà có tủ lạnh nên khi gia đình tôi mua được, tôi cảm thấy rất hãnh diện, tôi cũng rất hào hứng khi mẹ đưa ra ý tưởng làm món quà vặt bán cho trẻ con, để kiếm thêm thu nhập từ chiếc tủ lạnh này.
Một chiếc bảng nhỏ treo trước cửa nhà được mẹ tôi viết nắn nót dòng chữ: "Ở đây bán đá lẻ, kem túi". Mẻ đá đầu tiên, tôi là người sốt sắng mở cửa tủ lạnh ra, rồi lại đóng cửa tủ lạnh vào để xem nước đựng trong những chiếc cốc làm bằng nhôm đã đông cứng thành đá hay chưa mà không biết rằng, sự nôn nóng của tôi chỉ càng làm đá thêm lâu đông do mất nhiệt.
Háo hức nhất là khi mẹ làm món "kem túi". Nguyên liệu gồm nước đường và xoài miếng thái nhỏ quấy đều, rồi rót hỗn hợp đó vào túi bóng bé bằng hai ngón tay. Tôi có nhiệm vụ dùng chun vòng cuốn chặt miệng túi ni-lông lại, để mẹ xếp vào ngăn đá. Khi nước xoài bên trong đông xốp là món kem đá đã hoàn thành. Bằng cách chế biến đơn giản đó, thi thoảng, mẹ tôi lại đổi món kem xoài thành kem dứa với cách làm tương tự.
Sau này, với chiếc tủ lạnh Saratov "thần thánh", mẹ tôi còn học thêm cách làm kem từ sữa chua. Công thức là một hộp sữa đặc Ông Thọ pha với hai đến ba lít nước, bỏ thêm đường kính cho tăng độ ngọt rồi khuấy đều. Tiếp tục cho một hộp sữa chua vào để lên men rồi rót vào túi ni-lông buộc lại cho vào tủ lạnh làm đông, thế là thành những túi kem sữa chua.
Những loại kem đá mà mẹ tôi làm tuy không được mềm, ngậy, thơm ngon như kem que Tràng Tiền, nhưng với đối tượng phục vụ là trẻ con, chỉ với những đồng tiền lẻ là có thể mua được, thì cái vị chua chua, mát lạnh, xôm xốp ấy cũng đủ tạo ra sự thích thú cho những cô cậu choai choai ngày ấy.
Những đồng tiền kiếm được từ việc bán đá lẻ, bán kem đá, giúp mẹ tôi có thêm thu nhập, đỡ được đồng rau, miếng thịt để nuôi anh em chúng tôi khôn lớn trưởng thành.
Xã hội đã phát triển, tủ lạnh trở thành đồ gia dụng mà đa phần các gia đình ở Hà Nội đều có. Tủ lạnh hiện nay làm lạnh bằng công nghệ mới tiên tiến, mẫu mã đa dạng, đủ các loại thương hiệu tràn ngập thị trường.
Giá cả mỗi chiếc tủ lạnh cũng có nhiều phân khúc, phù hợp với thu nhập của từng gia đình. Theo đó, chiếc tủ lạnh Saratov của Liên Xô không còn chỗ đứng trên thị trường điện máy Việt Nam nữa.
Bây giờ, không ai còn tận dụng chiếc tủ lạnh gia đình để làm những món quà vặt mùa hè như mẹ tôi trước đây, mà có làm thì cũng chả bán được cho ai.
Trẻ con, nhất là thế hệ "Gen Z" ở Hà Nội hiện nay khá sành điệu trong ăn uống. Song với thế hệ chúng tôi, những mòn quà vặt dân dã, rẻ tiền như túi kem đá được làm từ những chiếc tủ lạnh gia đình thì mãi mãi là một phần ký ức của một thời Hà Nội còn khó khăn, lam lũ.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.