Dân Việt

Thực hư đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 trùng khớp một phần với đề thi của 3 tỉnh thành

Tào Nga 28/06/2023 18:08 GMT+7
Đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 được thí sinh phát hiện trùng với một phần đề thi lớp 10 và đề thi thử của các tỉnh thành trước đó.

Trùng đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 với các tỉnh

Kết thúc ngày 28/6, thí sinh cả nước đã hoàn thành xong 2 bài thi Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, ngay sau khi thí sinh ra khỏi phòng thi, nhiều người đã phát hiện ra đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 trùng khớp một phần với một số đề thi của các tỉnh thành khác. 

Cụ thể, thí sinh phát hiện ra đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 trùng với đề thi vào lớp 10 của Sở GDĐT Hà Nội tổ chức trước đó ở câu "cảm xúc bản thân".

img
img

Đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 được cho là trùng ý với đề thi vào lớp 10 của Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: CMH

Không chỉ vậy, đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay còn được các thí sinh phát hiện trùng với đề thi thử ở tỉnh Nghệ An. Cụ thể, một đoạn trích trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân là ngữ liệu chính của câu nghị luận văn học 5 điểm đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 thì cũng là ngữ liệu trong đề thi thử môn Ngữ văn của tỉnh Nghệ An trước đó.

img
img

Đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi thử ở Nghệ An. Ảnh: CMH

Ngoài Nghệ An, đề thi thử môn Ngữ văn của Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh cũng ra tác phẩm "Vợ nhặt" nhưng chọn một trích đoạn khác và yêu cầu thí sinh phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt.

Đề thi Văn tốt nghiệp THPT luôn được thí sinh và phụ huynh mong ngóng, bàn luận nhiều nhất trong các đề thi. Trước ngày diễn ra kỳ thi, nhiều diễn đàn đã sôi động dự đoán đề thi năm nay vào tác phẩm nào. Sau buổi thi, đề thi này cũng được "soi" kỹ khi có những điểm trùng hợp thú vị với các đề thi khác.

Giáo viên nói gì về đề thi trùng khớp?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn Lê Trần Diệu Thu cho hay: "Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 có câu 1 Nghị luận xã hội phần làm văn khá giống với câu số 3 của đề thi vào 10 Sở GDĐT Hà Nội. 

Đề thi tốt nghiệp THPT có đặt ra vấn đề luận bàn về "Sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống". Tương tự đề thi vào 10 Sở GDĐT Hà Nội đặt ra vấn đề luận bàn: "Ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân". 

Theo tôi, đây đều là những vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, để các em trình bày quan điểm cá nhân về tầm quan trọng của việc quản lý, làm chủ tốt cảm xúc của bản thân mình. Việc hai đề thi có điểm tương đồng về chủ đề luận bàn này có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, và hoàn toàn có thể chấp nhận được. 

Ở câu Nghị luận văn học, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cũng đã từng ra đoạn trích trùng khớp với đoạn ra trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, yêu cầu chính cũng là phân tích đoạn trích. Sự khác biệt của đề ở Nghệ An so với đề thi chính thức của Bộ GDĐT nằm ở câu hỏi phụ. 

Đề ở Nghệ An yêu cầu học sinh nhận xét về sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Trong khi đề thi tốt nghiệp THPT lại yêu cầu thí sinh ở câu hỏi phụ nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích. 

Sự trùng hợp này, theo tôi cũng là sự ngẫu nhiên, bởi đoạn kết trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân mang nhiều giá trị, không ít thầy cô sẽ cho các em thi thử vào đoạn ngữ liệu này. Những năm trước đây, đề thi cũng ra những đoạn ngữ liệu trích từ văn bản các em đã được học trong chương trình SGK lớp 12 nhưng sự trùng hợp 100% như vậy là rất hiếm".

Cô Thu chia sẻ thêm: "Để làm được bài thi câu Nghị luận văn học cho bài thi tốt nghiệp, các em cần xác định đúng yêu cầu của đề bài, phân tích được đoạn kết tác phẩm (cả nội dung lẫn nghệ thuật), và nhận xét yêu cầu phụ của đề".

Ngoài ra, trước ý kiến của một số người cho rằng đề thi năm nay "nhiều chữ, chán, dễ", cô Thu khẳng định: "Mục tiêu chính của đề thi là xét tốt nghiệp nên đây là đề phù hợp. Tôi hi vọng rằng, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đề thi sẽ đổi mới hơn, tránh tình trạng "học thuộc phân tích đưa vào phòng thi" hoặc "đoán đề, học tủ" như hiện nay".