Theo tính toán của Sở Tài chính Hà Nội, với mức tăng dự kiến, theo nhu cầu thực tế, trung bình mỗi hộ tại khu vực nội thành sử dụng từ 10-16m3/tháng sẽ phải chi trả thêm tiền nước sạch từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng; với các hộ ở nông thôn sử dụng từ 6-8m³/tháng, số tiền phải chi thêm là từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.
Phương án điều chỉnh giá nước này "cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân"; các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m³ đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá.
Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, TP.Hà Nội sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các địa điểm trên.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, việc tăng giá xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khoẻ người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.
Hiện nay, giá bán nước sạch tại Hà Nội đang được áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP.Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 5.973 đồng/m3; Từ trên 10 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3; Từ trên 20 đến 30m3 là 8.669 đồng/m3; Từ trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.
Cũng theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, 10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng nên giá bán nước sạch đến thời điểm này cơ bản không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, chi phí cấu thành giá bán nước sinh hoạt gồm: Nguyên, vật liệu (hóa chất xử lý, điện); nhân công (tiền lương, bảo hiểm xã hội, ăn ca); chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); chi phí quản lý doanh nghiệp (tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí an toàn cấp nước... Vì vậy, việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu cấp thiết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của thành phố là khoảng 900.000m3/ngày - đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000m3/ngày-đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000m3/ngày-đêm.
Quy định về xác định giá nước sạch sinh hoạt cũng đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có quy định "Hằng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định, điều chỉnh".
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phương án giá nước sạch còn do chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế khai thác nước ngầm.
Theo phương án tăng giá nước sạch đang được Sở Tài chính Hà Nội dự thảo, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch đảm bảo chất lượng cung ứng cho người dân. Tuy nhiên 10 năm qua, giá nước sạch toàn thành phố chưa tăng, khiến quá trình thu hút nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới…
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy nước ngầm của thành phố đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao. Các nhà máy này đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.
Còn các nhà máy nước mặt đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
"Nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác hiện nay là 780.000m3/ngày đêm. Trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư" – đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, với giá nước như hiện nay, TP.Hà Nội lo ngại sẽ "không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch" bởi hiện Bộ Y tế yêu cầu chất lượng nước sạch phải đạt quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT.
"Với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế" – đại diện Sở Tài chính Hà Nội nêu lý do.
Cũng theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, giá nước chậm điều chỉnh là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước. Đến nay, TP.Hà Nội đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới.
Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp không thực hiện dự án, hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ do áp lực chi phí vốn, do giá nước hiện hành chỉ "chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận".
"Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố" – đại diện Sở Tài chính Hà Nội nêu rõ.
Chính quyền TP.Hà Nội tính toán, tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).
Hiện giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, đơn giá 10m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 và giá cao nhất là 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015).
Chủ tịch Hà Nội: 10 năm qua giá nước sạch chưa tăng, nên doanh nghiệp ít mặn mà
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết như vậy trong ngày 25/4/2023 tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Sóc Sơn đã đề cập đến vấn đề thiếu nước sạch trầm trọng tại nhiều xã, khiến sinh hoạt của bà con chưa đảm bảo.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội có mặt tại buổi tiếp xúc giải đáp các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các sở, ngành, thành phố rất quan tâm đến những vấn đề bức xúc của bà con nhân dân huyện Sóc Sơn, trong đó có vấn đề nước sạch.
Đáng chú ý, ông Thanh chia sẻ một thực tế từ năm 2013 đến nay, giá nước sạch của Hà Nội không tăng nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nước sạch.
"Do đó sắp tới, thành phố sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn" – Chủ tịch Hà Nội nói.