Dân Việt

Cảm động với ước mơ của nam sinh "xương thủy tinh" 50 lần gãy xương

Gia Khiêm 29/06/2023 19:00 GMT+7
Mắc chứng bệnh xương thuỷ tinh với 50 lần bị gãy xương, chịu nhiều cơn đau của bệnh tật nhưng nam sinh Nguyễn Hữu Chính (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn nuôi ước mơ trở thành kỹ sư tin học trong tương lai.

Hành trình 18 năm trên chiếc xe lăn của nam sinh xương thuỷ tinh

Trưa ngày 29/6, sau khi kết thúc môn Khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THCS Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nam sinh Nguyễn Hữu Chính (20 tuổi, học sinh Trường THPT Thượng Cát) được các tình nguyện viên cõng ra ngoài. 

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Nam sinh Nguyễn Hữu Chính (20 tuổi, học sinh Trường THPT Thượng Cát) và cha bị chứng bệnh xương thuỷ tinh trở về nhà sau khi kết thúc bài thi. Ảnh: Gia Khiêm

Tại đây, ông Nguyễn Hữu Chung (59 tuổi) ngồi trên chiếc xe ba bánh chờ con trai mình suốt 4 tiếng trôi qua kể từ khi Chính bước vào phòng thi. Cả buổi dài ông Chung liên tục ngồi trên xe dõi ánh mắt về phía cổng điểm thi. Hai cha con ông Chinh có lẽ là người đặc biệt nhất tại điểm thi này khi đều mắc chứng bệnh xương thuỷ tinh nhưng đưa nhau đi thi tốt nghiệp THPT.

Xúc động cha cùng con trai bị xương thuỷ tinh đưa nhau đi thi tốt nghiệp THPT. Clip: Gia Khiêm

Vừa gặp bố, Chính vui mừng chia sẻ, đề thi bình thường, làm tốt và dễ nhất là môn Lịch sử. Nghe con nói ông Chung nở nụ cười. Ông Chính liền đội chiếc mũ cối sờn màu ngồi sau cùng con trai trở về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho môn thi Ngoại ngữ cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp lần này diễn ra vào chiều cùng ngày.

Khi hai cha con ông Chung vừa trở về nhà, bà Nguyễn Thị Lan (51 tuổi, vợ ông Chung) đã chuẩn bị dọn sẵn mâm cơm trưa đợi chồng và con ăn uống để nghỉ ngơi lấy lại sức. Nghe tin con làm bài tạm ổn, bà Lan cũng như trút đi phần nào nỗi lo toan.

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 3.

Chính trở về nhà ăn trưa nghỉ ngơi. Bữa cơm được bà Lan chuẩn bị từ sớm. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Lan chia sẻ, quanh năm bám chợ với nghề buôn bán rau, củ... để kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Mấy ngày nay, con đi thi tốt nghiệp, bà tranh thủ về sớm để nấu ăn, động viên con trước kỳ thi quan trọng - Cánh cửa cuộc đời cũng như mong ước của Chính bấy lâu nay.

"Chính là đứa con phải chịu nhiều thiệt thòi. Khi sinh con được 7 ngày tuổi thì vợ chồng tôi đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và bác sĩ hội chẩn con mắc chứng xương thuỷ tinh giống bố. Những tháng sau đó, con phải nằm viện nhiều. Do mắc bệnh xương thủy tinh di truyền từ bố nên thường xuyên bị gãy chân, gãy tay và gặp khó khăn khi di chuyển. Tính đến nay, phải 50 lần con bị gãy chân, tay rồi phải bó bột. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con", bà Lan tâm sự.

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 4.

Từ nhỏ tới lớn, Chính từng trên dưới 50 lần gãy xương, chịu nhiều đau đớn. Ảnh: Gia Khiêm

Ngay cả việc đi học, Chính cũng học muộn hơn các bạn 2 năm vì sức khỏe yếu. Gia đình tôi cũng cố gắng chạy chữa, cho con đi viện để con có thể đi học, đến lớp. Tính con cũng hiếu kỳ, thích khám phá  nên sau một lần bị điện giật suýt chết, chồng tôi phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc và cho con đi học", bà Lan nói.

Bà kể, suốt 18 năm qua, đi chợ lo cuộc sống gia đình, còn chồng là người đồng hành với chặng đường con đến trường. Chính chỉ tự đi học được sau khi gia đình mua được chiếc xe ba bánh cách đây hơn 1 năm sau khi tích cóp và may mượn anh em họ hàng.

Ước mơ của nam sinh xương thủy tinh thi tốt nghiệp THPT

Biết con có ước mơ trở thành kỹ sư tin học và nộp hồ sơ dự thi vào Trường đại học Mỏ - Địa chất bà Lan rất vui. Bà biết con có khả năng để đỗ vào trường đại học này nhưng sự eo hẹp về kinh tế khiến hai vợ chồng bà đang rất lo lắng.

"Hàng ngày, tôi là người lao động chính của gia đình để nuôi hai bố con. Dù gia đình đang thuộc hộ cận nghèo, được chính quyền miễn phí tiền điện nhưng tiền tôi làm ra chỉ vừa đủ để chi trả sinh hoạt cho cả gia đình. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất lo lắng nếu con trai thi đỗ đại học, tiền ở đâu để đóng học phí cho con", bà Lan nói và cho biết, mỗi người trong gia đình nhận thêm hơn 900.000 nghìn đồng tiền trợ cấp của nhà nước.

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 5.

Chính tự đứng nhưng không thể đi lại bằng hai chân. Ảnh: Gia Khiêm

"Trước kỳ thi của con, cũng có một số thầy cô giáo gợi ý cho con nộp hồ sơ vào trường này, trường kia. Tuy nhiên, Chính đã có nguyện vọng nên gia đình rất ủng hộ. Nếu không có tiền gia đình bà sẽ cố gắng vay mượn, vì tương lai của con. 

Nhiều lúc nghĩ về chồng, về con tôi cũng tủi thân và thấy thương hai bố con. Thế nhưng số phận đã vậy nên chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhau để cố gắng. Ai cũng muốn sướng thì khổ phần ai? Tôi hy vọng, con trai sau này sẽ đỗ đạt để tự thân lập nghiệp, rồi con cũng sẽ gặp được người thương con giống như tôi thương bố nó", bà Lan xúc động.

Thời tiết tại Hà Nội hôm nay có nắng nóng khiến em Nguyễn Hữu Chính tỏ ra khá mệt mỏi, trở về nhà nghỉ ngơi, nam sinh mới tỉnh táo trở lại. Chính cho hay, từ hôm qua đến nay, em làm bài thi rất tốt, em hy vọng có kết quả như mong muốn để có thể có cơ hội đỗ đại học.

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 6.

Chính có ước mơ trở thành kỹ sư tin học trong tương lai. Ảnh: Gia Khiêm

Ước mơ của chàng trai 50 lần gãy xương được cha mắc xương thuỷ tinh đưa đi thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 7.

Nam sinh cũng từng nhận bằng khen của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Gia Khiêm

"Từ nhỏ, sức khỏe của em yếu hơn các bạn nhưng những ngày gần kỳ thi, em đã nhận được nhiều lời động viên đến từ thầy cô và các bạn trong lớp. Đặc biệt, em cũng chuẩn bị cho mình vốn kiến thức bằng cách học trên internet. Em muốn học ở Trường đại học mỏ - địa chất vì nó gần nhà, dễ di chuyển. Hơn nữa, ở đây có ngành mà em thích. Ước mơ của em sau này muốn trở thành một kỹ sư tin học", Chính chia sẻ.

Bản thân Chính cũng nhận biết được điểm yếu và điểm mạnh của mình nên em rất quyết tâm, nỗ lực trong cuộc sống. 

"Em là con một trong nhà, sau này, em muốn có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân và nuôi bố mẹ. Nếu được, em cũng mong muốn một gia đình riêng cho mình để bố mẹ không phải lo cho mình sau này", Chính tiết lộ.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Chính được 2 tình nguyện viên thường xuyên cõng đến và rời phòng thi, điều này cũng khiến nam sinh có thêm sự tự tin và tâm lý thoải mái. 

Qua đây, nam sinh cũng gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã giúp đỡ mình trong suốt quãng thời gian qua và không bao giờ phụ sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình.