Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2023 để lượng hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu, đồng thời, đề ra những giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tình hình thực hiện đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho biết, TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.490 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 14.996 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 53.493 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.HCM đã giải ngân 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao.
Tuy nhiên, bà Mai nhìn nhận, trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường bất động sản, thị trường tài chính chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TP.HCM bị ảnh hưởng, đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.
Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã kết thúc; thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm tăng từ 8% lên 10% ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và sức mua của người dân.
Mức giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao khiến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế vẫn khó khăn.
Tuy doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ, các hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Lượng phương tiện xe cơ giới đường bộ đến hạn kiểm định rất lớn, các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM quá tải.
Bà Mai nhìn nhận, thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ về pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn trong nhận thức và quá trình vận dụng triển khai trong thực tiễn; Chuyển động của các cấp chính quyền Thành phố; sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện; một bộ phận lãnh đạo, công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc; thiếu tính chủ động, sáng tạo; thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ;
Thông tin trong quản trị, điều hành chính quyền các cấp chưa thực sự công khai, khó giám sát, đánh giá; nhất là đối với các lĩnh vực có khả năng phát sinh tiêu cực; Chưa phát huy tổng thể sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục thực hiện dự án đầu tư công.
Trong thời gian tới, TP tập trung hoàn thiện, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực (về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất;…)
Triển khai chương trình kích cầu đầu tư TP.HCM, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các giải pháp kích cầu thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế... Ngoài ra, TP.HCM mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm sản xuất "xanh, tuần hoàn"; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023...