Dân Việt

Một giếng cổ trong đền Trần-Chùa Tháp ở Nam Định có mực nước luôn cao hơn mặt sông

Viết Dư 30/06/2023 05:03 GMT+7
Trong quần thể di tích đền Trần - Chùa Tháp (tỉnh Nam Định) hiện còn lưu giữ một giếng cổ gọi là giếng rồng nằm ở phía đông Đền Cố Trạch. Giếng rồng trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1913 (năm Duy Tân thứ 7) và năm 2013. Điểm đặc biệt là nước trong giếng rồng luôn cao hơn mặt nước sông gần đó.

Từ xưa, giếng vừa là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho cuộc sống của cộng đồng dân cư. Theo quan niệm dân gian, cát địa hội tụ đủ thành tố núi và nước. 

Các bậc tiền nhân khi xây dựng các công trình văn hóa tâm linh thường theo mô tuýp tựa lưng vào núi, mặt trông ra nguồn nước quanh co; nếu địa thế không có núi thì lấy gò đống, cây to; không có sông thì lấy giếng nước, ao, hồ để điều hòa phong thủy. 

Hầu hết các công trình văn hóa tâm linh ở tỉnh Nam Định đều có giếng nước với nhiều tên gọi như: giếng ngọc, giếng rồng hoặc tên giếng gắn với tên di tích, tên làng, xóm. Hiện nay, ở nhiều làng quê trong tỉnh vẫn lưu giữ những giếng cổ như: giếng đất, giếng đá, giếng thùng, giếng tròn, giếng bán nguyệt...

Giếng cổ Chùa Tháp được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật năm 1970 có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử thời Trần. Giếng có hình tròn, đường kính ngoài 1,6m, sâu 2,8m (tính từ mặt ruộng).

Thành giếng được tạo tác bằng những chiếc bao nung đồ sứ úp sấp, xếp vòng tròn thành nhiều lớp. Đáy giếng có những bình sành đựng đầy vôi xếp úp, sau đó là lớp bao nung xen kẽ với lớp sỏi… Qua công tác khảo cổ, cho thấy hơn 700 năm trước người xưa đã biết dùng vôi khử chua, khử sắt, dùng xương gốm thô ở bao nung để lọc nước giếng…

Cũng trong quần thể di tích đền Trần - Chùa Tháp hiện còn lưu giữ giếng rồng nằm ở phía đông Đền Cố Trạch. Giếng rồng trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1913 (năm Duy Tân thứ 7) và năm 2013. Điểm đặc biệt là nước trong giếng rồng luôn cao hơn mặt nước sông gần đó.

Nhiều năm qua, khu vực giếng rồng là nơi diễn ra nghi thức Rước nước, Tế cá. Sau khi rước nước từ giếng rồng về Đền Thiên Trường, nước trong chóe được chia đều sang ba chiếc bình, thủ từ của các Đền: Thiên Trường, Cố Trạch, Trùng Hoa trang trọng rước nước về đền để thờ.

Một giếng cổ trong đền Trần-Chùa Tháp ở Nam Định có mực nước luôn cao hơn mặt sông - Ảnh 1.

Giếng cổ ở làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Ở huyện Vụ Bản, nhiều giếng nước trong khuôn viên các di tích cũng được sử dụng vào những ngày lễ trọng. Trước ngày lấy nước, các làng phải đóng nắp để giếng được thanh tịnh... 

Ngày nay, dẫu không còn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân làng nhưng nhiều địa phương như các xã: Quang Trung, Hợp Hưng, Minh Tân, Vĩnh Hào, Kim Thái, Hiển Khánh vẫn gìn giữ, đầu tư cải tạo giếng nước. 

Giếng nước thôn Hậu Nha, xã Hiển Khánh được cải tạo năm 2008 do ông Nguyễn Trọng Luyện - người con quê hương đầu tư với kinh phí khoảng 120 triệu đồng. Giếng nước gắn với hình ảnh cây đa trăm tuổi và di tích lịch sử - văn hóa Đình Hậu Nha, xã Hiển Khánh đã tạo nét đẹp cổ kính trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng quê này. 

Xã Quang Trung hiện còn lưu giữ được giếng cổ ở xóm Phủ, giếng Cá làng Giáp Ba, giếng xóm Hội 2, giếng xóm Làng. Theo các tài liệu ghi chép ở Phủ Giáp, giếng Cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung có từ thời Hậu Lê. 

Trước kia giếng được đắp bờ đất, sau đó cụ tiên chỉ của làng là Bùi Thiện Hợi (tự Phúc Bổng) hưng công xây dựng kè bờ gạch cho giếng. Năm 2011, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Bùi Thiện Hợi là ông Bùi Thiện Hân đã phát tâm công đức và vận động nhân dân địa phương kè giếng, nâng bờ gạch với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. 

Điểm đặc biệt ở giếng Cá làng Giáp Ba là có một giếng to và một giếng nhỏ sát nhau. Giếng nhỏ nằm ở giữa phía trước giếng to, trên bờ giếng có đặt bát hương thờ Thần Tỉnh (thần Giếng). 

Hàng tuần dân làng đều chăm lo việc dọn vệ sinh xung quanh giếng. Năm 2016, giếng cổ được cải tạo xây, kè bờ cao hơn mặt đường với kinh phí 150 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp.

Ở huyện Mỹ Lộc, nhiều thôn, xóm bảo tồn được giếng cổ. Ở xã Mỹ Phúc, làng nào chưa có giếng tự nhiên, muốn đào giếng, dân làng phải mời thầy địa lý về xem phong thủy, tránh những chỗ chạm vào long mạch. 

Một số thôn, xóm như: Lựu Phố, Bồi Đông, Bồi Tây, Liễu Nha, Tam Đông, Tam Đoài… nhân dân đóng góp kinh phí để kè gạch, đá cho giếng.

Ở huyện Nghĩa Hưng, nhiều địa phương còn lưu giữ được giếng cổ; tiêu biểu như làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh có 3 giếng cổ gồm: giếng Dắt, giếng xóm Kỳ Hồng, giếng xóm Trại. Với quan niệm giếng nước là nguồn tụ thủy, tụ phúc nên trong hương ước của làng quy định phải coi trọng, giữ gìn giếng nước, nghiêm cấm thả trâu, bò hoặc giết súc vật quanh giếng... 

Huyện Nam Trực còn một số giếng cổ độc đáo, tiêu biểu là giếng đá nằm trong khuôn viên Chùa Hồng, xã Nam Dương được xây dựng vào thời Vua Lê Hoàn (980-1005). Giếng có hình thức đơn giản; cổ giếng là 5 khối đá được ghép vào nhau, đường kính miệng giếng khoảng 0,8m. 

Phía trong thành giếng được ghép bằng nhiều cối đá thủng, sâu khoảng 5m. Từ xưa người dân đã dùng dây kéo nước nên trên thành miệng giếng hiện còn để lại nhiều rãnh đá mòn lõm sâu.

Giếng đá Chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu) độc đáo bởi tận dụng cối đá thủng xếp vòng làm thành giếng. Miệng giếng có đường kính 1,2m tạo thành bởi 10 phiến đá hình thang. Các phiến đá dù dày mỏng khác nhau nhưng người thợ dân gian đã khéo léo ghép kín để mặt giếng có độ bằng phẳng, gờ miệng giếng nổi cao hơn mặt giếng 0,5cm, tránh nước trên mặt chảy ngược lại. 

Chiều sâu của giếng được ghép theo kiểu “thượng thách, hạ thu” (đường kính trên miệng rộng hơn đáy giếng); thiết kế này để tránh việc giếng bị lún. 

Hiện nay, dân làng vẫn sử dụng nước giếng đá Chùa Lương làm cỗ, nấu xôi cúng Phật. Ở Chùa Kim Đê (Phúc Hải tự), xã Hải Minh còn giếng nước từ thời Hậu Lê được tôn tạo vào thời Nguyễn. Giếng được bao quanh bởi hệ thống hành lang hình bát giác. 

Mặt giếng gồm 10 phiến đá hình thang to, nhỏ không đều ghép làm miệng. Các lớp cối đá thành giếng hoà với lớp đá hình thang có soi nhấn chỉ ở mặt giếng thể hiện sự công phu, kỳ công kiến tạo của nghệ nhân xưa.

Từ xa xưa giếng nước còn là không gian sinh hoạt văn hóa chung của làng. Nơi đây, chuyện của làng trên xóm dưới được người dân chia sẻ qua các hoạt động thường nhật như gánh nước, giặt giũ ở giếng làng… 

Giếng còn mang ý nghĩa tâm linh vì là “long mạch” của làng. Bởi vậy, giếng còn gọi là “tỉnh” được xếp hàng đầu trong ngũ tự gia đường (gồm Táo: bếp, Tỉnh: giếng, Môn: cổng, Hộ: cửa và Trung lưu). Trong tổng thể cấu trúc tâm linh ở làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật, thì giếng nước có thủy thần. Ở các di tích, cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, giếng nước sâu vào đất tượng trưng cho tính âm tạo nên sự hài hòa âm dương trong vũ trụ.

Trong tâm thức mỗi người dân, giếng nước như tấm gương soi bao biến thiên lịch sử, phản ánh đời sống xã hội của làng quê. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân trong tỉnh vẫn ý thức giữ gìn những giếng cổ góp phần tô điểm thêm vào bức tranh tươi đẹp của làng quê Việt truyền thống.