Điều tra đối tượng "móc nối" thí sinh vụ lọt đề thi ra ngoài
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa kết thúc, câu chuyện đề thi môn Ngữ văn, Toán bị lọt ra ngoài vẫn đang làm nóng dư luận.
Trước câu hỏi về phương án xử lý 2 thí sinh vi phạm phát tán đề ra sao, có nên tăng nặng mức độ xử lý thay vì chỉ dừng lại ở mức đình chỉ thi theo như quy chế, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho hay, công an sẽ căn cứ kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, cùng đó xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức độ vi phạm.
Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự, sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật của Nhà nước. Nếu không, sẽ xử lý hành chính theo Nghị định 144 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Vấn câu hỏi là để có hình ảnh đề thi được "tuồn" ra bên ngoài, phải có người "móc nối" để tiếp nhận, hỗ trợ, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, cơ quan công an đã nhanh chóng phối hợp xác minh ở các địa phương xảy ra và cũng đã xác định được những người kết nối ở bên ngoài.
Tuy nhiên, sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh kết hợp với những khai báo của các đối tượng liên quan khác để xác định xem có lời giải chuyển vào hay không.
Xử lý hành chính hay hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, khi thông tin đề thi đã được bóc, mở niêm phong, phát cho các thí sinh để làm bài theo quy định của quy chế thi, đề thi này không còn là tài liệu mật thuộc dạng tuyệt mật.
Tuy nhiên, đề thi vẫn phải được bảo mật theo quy chế kỳ thi tốt nghiệp. Theo đó, quy chế thi quy định, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài và phải nộp lại đề thi.
Trường hợp thí sinh phát tán đề thi ra bên ngoài, đây là hành vi vi phạm quy chế, người nhận được đề thi rồi tiếp tục phát tán trên mạng Internet cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Cường, đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện được danh tính của học sinh đã phát tán đề thi ra bên ngoài. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người tiếp nhận đề thi này là ai và có chủ đích hay không.
Đồng thời làm rõ người phát tán thông tin này lên mạng xã hội là ai, với mục đích gì và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Rất may là các đề thi đã được công bố và bước đầu xác định việc lộ lọt đề không ảnh hưởng đến hoạt động thi của điểm thi. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn tiếp tục làm rõ có sự cấu kết giữa thí sinh với những người bên ngoài để thực hiện các hoạt động gian lận thi cử hay không.
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính tới 15 triệu đồng và tới 30 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ có việc cấu kết, giúp sức của những người có chức vụ quyền hạn đối với việc tổ chức kỳ thi này hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại đến uy tín của ngành giáo dục, của Nhà nước, có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể" – vị chuyên gia thông tin.