Dân Việt

Nam sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến hiệu trưởng phải thốt lên: “Bao nhiêu năm mới có một"

Tào Nga 03/07/2023 06:00 GMT+7
Với thành tích xuất sắc cùng ý chí cao, Đặng Đình Trường, học sinh lớp 12 Toán 2, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều người.

Hạnh kiểm tốt, xếp loại Giỏi cả 3 năm với điểm trung bình trên 9,0; đạt được Huy chương Bạc kỳ thi Đấu trường toán học châu Á AIMO 2020 cấp quốc tế; là học sinh giỏi Toán cấp quận, thành phố..., tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả thành tích đáng ngưỡng mộ của Đặng Đình Trường, học sinh lớp 12 Toán 2, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Vậy, điều gì ở nam sinh này khiến cho cô Trần Thuỳ Dương, Hiệu trưởng nhà trường dành lời khen ngợi: "Không biết bao nhiêu năm mới có một học sinh như thế"?

Nam sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến hiệu trưởng phải thốt lên: “Bao nhiêu năm mới có một" - Ảnh 1.

Đặng Đình Trường (ở giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và giáo viên của trường. Ảnh: NVCC

Luôn lạc quan vượt qua hoàn cảnh sống

Trước khi Trường vào lớp 1, bố mẹ của em chuyển từ làm nông sang buôn bán cùng với ông bà nội. Do tính chất công việc, gia đình chuyển vào miền Nam. Trong một sự cố không may khi di chuyển từ Bắc vào, chuyến xe có bố con của Trường và 2 người thân khác gặp tai nạn. Khi tỉnh dậy, Trường đang được chở đi cấp cứu, còn bố phải chuyển lên tuyến trên vì nặng hơn. Sau đó, gia đình chuyển về Bắc và lo trang trải cuộc sống, chữa trị cho bố. 

Trường kể: "Khi đó, với một tâm hồn rất trẻ thơ, người thân nào cũng khuyên em cố gắng học, em cảm thấy đó là điều em nên làm. Lúc đó em thương bố nhiều lắm, thương cả mẹ nữa, nhưng là một đứa trẻ chưa vào lớp 1, em chỉ biết có cảm xúc, học và giúp đỡ được mẹ hết những việc mình có thể, chưa hiểu khó khăn là thế nào. Em không có một ý định gì về học thật giỏi hay như nào cả. Em học một cách rất nhẹ nhàng nên trước khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết. 

Sau tai nạn bố em bị liệt dây thần kinh tủy sống nên liệt nửa thân dưới, không đi lại được, hai tay chỉ cầm nắm được vật nhẹ. Lớn lên, em mới cảm nhận được bố đã đau đớn, tuyệt vọng thế nào nhưng vẫn luôn muốn sống để thấy em trưởng thành. Em rất ngưỡng mộ khát khao đó. 

Trong giai đoạn gia đình khó khăn đó, bà ngoại là người chăm em lớn. Ông bà nội luôn sẵn sàng chu cấp tiền học và đưa em đi học xa, cô chủ nhiệm lớp 9 luôn động viên em để thi vào trường cấp 3 tốt thỏa mãn đam mê học Toán".

Dù hoàn cảnh như vậy nhưng Trường luôn cảm thấy may mắn, biết ơn cuộc sống vì vụ tai nạn đó không để lại cho em sự mất mát nào. Trường cảm thấy hoàn cảnh đó đã cho em một cơ duyên với học hành và cố gắng đến tận hôm nay. 

"Em không ngại chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, không cảm thấy xấu hổ vì có một người bố khuyết tật hay một người mẹ bị gù ốm nhom. Em chỉ cảm thấy tự hào về bậc sinh thành dũng cảm ấy, trong lúc đau đớn, khó khăn nhất vẫn nghĩ việc cho em đi học để có một cuộc sống tốt hơn, cố để em không bị thua so với bạn bè, cho em thấy được trong xã hội này có rất nhiều người tốt bụng khác nữa. Câu chuyện này không tiêu cực, không tối tăm, thành tích của em hiện nay cũng coi như có thể là một câu chuyện truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh khó khăn", Trường thổ lộ.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên với Trường được đi học là một cơ hội rất lớn mà không phải ai cũng có, đặc biệt là được theo học tại một trường chuyên đứng đầu. 

"Khi mới vào trường, em đã vấp phải rất nhiều khó khăn vì từ nông thôn ra thành phố học. Nhưng em luôn nghĩ rằng, không ai vừa sinh ra đã biết làm hết mà đều phải trải qua quá trình rèn luyện. Rất may, học tập ở đây em được thầy cô chỉ bảo và có những người bạn tuyệt vời đồng hành. Em đã học hỏi được rất nhiều từ cách thay đổi phương pháp học tập và tư duy vận hành những dự án. 

Năm lớp 10 và 11, em luôn ưu tiên hai việc học và đi trải nghiệm để tự mình tiếp thu kiến thức một cách chân thực nhất. Lên lớp 12, do tính chất của kỳ thi đại học nên em ưu tiên việc học hơn. Đối với em, môn Văn là một người bạn nuôi dưỡng tâm hồn, truyền động lực giúp em trở nên sâu sắc hơn trong suy nghĩ. 

Các môn học khác cũng vậy. Học không chỉ mở sách ra và đọc mà em luôn tìm kiếm hình ảnh, video của môn học đó và phân bổ thời gian học. Ngoài ra, đối với em, dù bận học hay bận làm việc dự án thì giấc ngủ vô cùng quan trọng. Em tự rèn luyện cho bản thân thói quen ngủ sớm, từ 11 giờ và chậm nhất là 12 giờ đêm và dậy từ 5 giờ sáng. Em luôn ngủ trưa khoảng 30 phút".

Điều đáng khâm phục ở Trường đó là ý chí quyết tâm cao với quan điểm: "Xuất phát ở đâu không quan trọng, quan trọng là nỗ lực của bản thân". Chính vì vậy, ngay từ cấp 2, Trường đã nỗ lực học và kết quả là đạt giải Nhì quận và giải Ba thành phố môn Toán năm lớp 8, 9. Lên lớp 10, Trường đỗ cả 2 chuyên Toán THPT Khoa học tự nhiên và chuyên Toán THPT Hà Nội - Amsterdam. 

Học chuyên Toán nhưng yêu Lịch sử

Điều khá thú vị ở nam sinh này đó chính là yêu thích Lịch sử dù đang học lớp chuyên Toán. "Nếu như ai đó nói rằng môn Lịch sử là môn phụ, môn học thuộc, giáo trình viết không logic... em thấy điều đó không đúng. Quan trọng nhất vẫn là bản thân, nếu bản thân tìm được hứng thú trong môn học đó thì dù có dày, có dài đến mấy đi nữa đó vẫn là một điểm cuốn hút. 

Nam sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến hiệu trưởng phải thốt lên: “Bao nhiêu năm mới có một" - Ảnh 2.

Trường (thứ 3 từ trái sang) mong muốn được học ngành Sư phạm Toán. Ảnh: NVCC

Em xem rất nhiều bộ phim về các cuộc chiến tranh Việt Nam từ khi còn nhỏ vì bố em cũng rất mê những phim đó. Mỗi khi xem, em có cảm thấy lâng lâng, khó tả lắm. Mãi đến khi đọc được một câu trong ghi nhớ sách giáo khoa Lịch sử 6 "Dân ta phải biết sử ta", như một sự mở đầu trong niềm yêu thích lịch sử của em. Em cũng tự lý giải được sự lâng lâng khó tả kia. Đó là sự tự tôn dân tộc, yêu đất nước và biết ơn những người ngã xuống. 

Em học lịch sử như muốn biết thêm về dân tộc mình, về đất nước, quê hương của mình, dần dần tinh thần tự tôn dân tộc cũng chẳng biết tự bao giờ cũng cao dần lên. Đối với em, học một môn học không khó, nhưng để hiểu được giá trị cốt lõi và mục đích của mỗi môn học mới là phương pháp để mỗi học sinh làm chủ được nó", Trường kể.

Yêu thích lịch sử nên từ kỳ nghỉ hè năm học lớp 11, khi được tham gia các hoạt động công tác của Đoàn trường và kỳ thiện nguyện do lớp tổ chức, Trường đã rất mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trường sau đó được cử đi học lớp Nhận thức về Đảng khóa I năm 2023 và bài thu hoạch cuối khóa đã đạt được xếp loại Giỏi. Ngày 3/7, Trường là 1 trong 2 học sinh được kết nạp Đảng ở Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đó không chỉ là vinh dự, tự hào của bản thân Trường mà còn mang theo ước mơ của cả bố mẹ và chị gái vì chưa có cơ hội. 

Được biết, sau khi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xong, Trường sẽ xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán. 

Nhận xét về cậu học trò Đặng Đình Trường, chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Trần Thuỳ Dương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: "Không biết bao nhiêu năm mới có một học sinh như thế. Trường là một học sinh xuất sắc, chín chắn, hiểu biết. Dù em học chuyên Toán nhưng lại thích lịch sử, thư pháp và môn Lịch sử lại tổng kết 10,0.

Về hoàn cảnh gia đình của em, sau này nhà trường mới biết rõ. Lâu nay nói đến trường Ams mọi người luôn ấn tượng là học sinh của gia đình có điều kiện. Thế nhưng thực tế ở đâu cũng có những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Quý nhất là trong thời đại 4.0, khi học sinh đam mê với du học và những điều hấp dẫn khác thì ở trường có một học sinh nghị lực, ý chí và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, ở trong một môi trường có nhiều học sinh có điều kiện thì vẫn có một học sinh không bao giờ tự ti vì hoàn cảnh khó khăn. Ngược lại, em rất hòa đồng, vui vẻ, lạc quan.

Với những nỗ lực mà Trường đã đạt được, mới đây, Đảng bộ trường đã tặng cho em một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng, Ban phụ huynh tặng 1 chiếc máy tính để làm phương tiện học tập và phụ huynh khác cũng quyết định tặng cho em chiếc xe máy để đi học".